Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Tembin sáng 23/12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, bão Tembin đang theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 20-25 km/giờ, cường độ cấp 10, giật tăng ba cấp.
Các trung tâm dự báo của Nhật Bản, Mỹ, Hong Kong đều chung nhận định bão theo hướng Tây, sau khi vào biển Đông mạnh lên, cao nhất đạt cấp 11-12 (khi vào khu vực quần đảo Trường Sa). Khi đổ bộ, bão còn cấp 9-10. Khu vực ảnh hưởng là Nam Bộ của Việt Nam, thời gian đổ bộ đêm 25 ngày 26/12.
Cơ quan khí tượng Việt Nam có dự báo tương tự. Cụ thể, đêm nay (23/12) bão sẽ vào biển Đông với cấp 10-11, theo hướng Tây nhắm đến Nam Bộ. Vùng ảnh hưởng từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau.
Giám đốc Hoàng Đức Cường cho hay, đêm 23/12 sẽ có đợt không khí lạnh tăng cường xuống Việt Nam. Nhưng do không khí lạnh cường độ yếu nên tác động không đáng kể tới hướng đi cũng như cường độ bão.
“Đây là bão cuối mùa, bão muộn, trung bình 10 năm có một cơn, nhưng với cấp độ mạnh như bão Tembin là chưa từng có”, ông Cường thông tin.
Di dời gần một triệu dân
Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chỉ ra nhiều điểm bất lợi trong công tác ứng phó bão Tembin.
Bão vào khu vực ít bị ảnh hưởng nên kinh nghiệm ứng phó hạn chế và còn tư tưởng chủ quan của một số chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư; có thể lặp lại kịch bản thiệt hại như ở Khánh Hòa trong cơn bão Damrey.
Dự báo đường đi của bão Tembin.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tránh trú cho tàu thuyền, đê biển, tập quán sinh sống, kinh nghiệm phòng tránh bão... của Nam Bộ cũng là những yếu tố có thể làm thiệt hại do bão gia tăng.
"Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã lên phương án di dời trên 234.000 hộ với gần 950.000 nhân khẩu đến nơi an toàn", ông Hoài thông tin.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết đã cấm biển từ chiều 22/12 và lên phương án dự kiến sơ tán 78.000 dân của các huyện Đất Mỏ, Côn Đảo. Nếu sáng 24/12, bão vẫn không thay đổi hướng đi, tỉnh sẽ tổ chức di dời dân ở những vùng trọng yếu.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm thông tin, dự kiến di dời khoảng 5.000 dân của huyện Cần Giờ. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo theo sát, chuẩn bị di dân ở 42 khu vực có nguy cơ sạt lở.
Tránh lặp lại thảm họa bão Linda
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị TP HCM cảnh giác cao nhất, chủ động phương án đối phó vì rất ít khi bão vào TP HCM và lại vào trong thời điểm cao điểm của triều cường.
“Bão đặc biệt, cường độ lớn, trái mùa, vào vùng có những đặc điểm bất lợi, có thể gây thiệt hại lớn nếu công tác ứng phó không kỹ càng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Ông Cường đề nghị các tỉnh kiên quyết tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; rút kinh nghiệm chìm tàu hàng ở cảng Quy Nhơn (Bình Định), hướng dẫn, bố trí tàu hàng vào nơi tránh trú an toàn.
Trưởng ban chỉ đạo nhắc lại bài học từ bão Linda năm 1997 làm khoảng 3.000 người chết và mất tích (có đường đi, cấp độ gần giống bão Tembin) và lưu ý các tỉnh cần tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực, lùi các cuộc họp không cấp bách để ứng phó với bão Tembin.
Các địa phương cấm biển chậm nhất trước 16h ngày 23/12 Ngay sau cuộc họp trực tuyến sáng 23/12, Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ, yêu cầu rà soát phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Địa phương phải kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); cấm biển chậm nhất trước 16h ngày 23/12... Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn... |