18h ngày 30/9, mưa lớn trút xuống nhiều khu vực ở Sài Gòn. Các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu... (quận 7); Lê Văn Lương (Nhà Bè); Nguyễn Xí, Bạch Đằng, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Đồng Đen (Tân Bình) chìm trong biển nước.
Đường Huỳnh Tấn Phát ngập nặng suốt 4 km. Nhiều vị trí bị nước sâu hơn nửa mét khiến hàng loạt xe chết máy phải dắt bộ trong mưa. Tại giao lộ Phú Thuận, khi ôtô lớn đi qua nước tạo sóng đánh vào nhiều người đi xe máy, khiến họ ngã sõng soài.
Lồm cồm đứng dậy dựng xe, chị Minh Tú (ngụ Nhà Bè) ướt sũng. "Xe container vừa vượt qua là tôi ngã. Tất cả điện thoại, giấy tờ trong túi xách đều bị ngâm dưới nước", chị nói rồi mượn điện thoại gọi người nhà ra trợ giúp.
Sống trên đường Huỳnh Tấn Phát nhiều năm, ông Trần Thế Anh (57 tuổi) và hàng xóm chuẩn bị sẵn bao cát, bạt, ván... che chắn cửa nhà tránh nước ùa vào trong. "Ở đây cứ mưa lớn hoặc triều cường là ngập nặng. Tôi chứng kiến rất nhiều người đi xe máy bị sóng nước xô ngã", ông nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực ngã tư Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Theo anh Thành (40 tuổi), từ Phú Mỹ Hưng chạy về phía quận 10 chỗ nào cũng ngập, nặng nhất là trước Lotte Mart (quận 7), còn khu Trung Sơn thì "giống như sông"
"Gió rất mạnh, ngả rạp cây ven đường. Nước tràn cả vào sàn ôtô của tôi. Rất nhiều người đi xe máy bị ngã", anh cho biết.
Trên đường Đồng Khởi (quận 1), cây cao 10 m cũng bật gốc trong gió giật, đổ đè ôtô 7 chỗ đậu bên lề đường. May mắn trên xe không có người.
Điểm ngập Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) như thường lệ cũng thành sông sau trận mưa kéo dài khoảng một giờ. Khi mưa dứt, nơi này cũng không rút nước như đợt thử nghiệm máy bơm công suất lớn trước đó.
Ông Nguyễn Thảo chạy xe qua từ Bình Thạnh về quận 4 cho biết, chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh nước ngập đến nửa mét, nhiều xe chết máy.
"Mấy hôm trước thấy có máy bơm khủng hút nước rút nhanh lắm nhưng hôm nay không hoạt động gì cả", ông Thảo than thở.
Theo Công ty Thoát nước đô thị thành phố, trận mưa chiều tối 30/9 gây ra 40 điểm ngập. Đơn vị đã thông báo các vị trí này lên ứng dụng UDI trên điện thoại để người dân biết, tránh đi vào khu vực ngập nặng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là Nguyễn Hữu Cảnh, Huỳnh Tấn Phát, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (Thủ Đức), Nguyễn Văn Quá (quận 12)…
Ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, nhiều đám mây đối lưu đang hoạt động mạnh ở khu vực Nam Bộ. Khi vị trí dải hội tụ nhiệt đới nằm gần Nam Bộ như vậy, thường tạo nên trạng thái khí quyển bất ổn định lớn (không khí xáo trộn mạnh) mây đối lưu phát triển, xảy ra mưa rất to, kèm dông sét là bình thường.
Theo ông Quyết, trận mưa rất to xảy ra từ 17h30 đến 18h40 với lưu lượng có nơi gần 100 mm. Tuy nhiên, sau đó vẫn còn kéo dài đến 19h20 nhưng lượng mưa chỉ 3-5 mm.
Tính đến 19h lượng mưa tại Nhà Bè đo được 76 mm, Tân Bình 75 mm. Khu vực mưa lớn tập trung ở các quận huyện phía Nam, Tây nam và trung tâm.