Cuối tháng chạp, bà Tính nhận được điện thoại của con gái từ Sài Gòn. Chị báo tin năm nay không ra Bắc ăn Tết với bố mẹ.
"Mẹ nằm đất cũng được, các con cứ cho cháu nó về...", người mẹ cố nài.
Nhưng chị không về. Con gái chị gần 3 tuổi, mới gặp ông bà ngoại một lần.
Gia đình bà Kiều Thị Tính và ông Phan Văn Dũng sinh sống ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Mười một đời họ đã sống trong căn nhà các cụ để lại. Ba trong số bảy gian nhà bị bom đạn phá hủy trong những năm kháng chiến. 37 mét vuông còn lại nay là nơi sinh hoạt cho 7 thành viên gia đình. Nhưng với chính quyền, 37 mét vuông ấy được gọi là "nhà cổ loại 1" cần được bảo tồn.
Ba trong số bốn người con của ông bà đã đi làm ăn biệt xứ, vài ba năm mới về một lần vì ở lại làng cũng không có chỗ ở.
Bà Tính dặn con chọn mùa khô ráo mà về, vì ngày mưa, căn nhà sẽ la liệt thau, nồi, xoong, chậu để hứng nước mưa. Những hôm ấy, trong nhà với ngoài sân chẳng khác gì nhau. Bà Tính chỉ lên nóc cái "di tích" mình đang sống, mấy viên ngói tuổi đời ngót nghét 200 năm đã vỡ, nắng rọi xuống sàn. Bà nghĩ về cái Tết vắng các con, nước mắt cứ thế chảy.
"Tôi muốn bà con bình tĩnh, chúng ta đã chờ được 10 năm chẳng lẽ không chờ thêm được chút nữa?" - ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội nói với những người dân Đường Lâm như bà Tính vào năm 2013.
Và bà đã chờ thêm 5 năm. Chỉ để thấy ngôi nhà thêm mục nát, con cái không về.
Có một điểm chung giữa hầu hết ngôi nhà cổ ở Đường Lâm: trên đình màn giường ngủ nhà nào cũng giăng thõng một tấm nylon hoặc bạt lớn.
Năm 2006, khi Đường Lâm nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, ông bà Tính cũng như nhiều người dân hồ hởi hy vọng về một sự đổi đời. Rồi Đường Lâm cũng sẽ như Hội An hay 36 phố phường Hà Nội, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch. Căn nhà ông bà sẽ được nhà nước trùng tu để đón khách về trải nghiệm ngủ nhà cổ, làm tương, gói bánh, nấu chè lam... để có thêm thu nhập.
12 năm trôi qua, đến nay mới có 17 trên tổng số 956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Và người Đường Lâm không còn ấp ủ những hy vọng. Trong khi đợi hỗ trợ từ nhà nước, ông bà đã quen với việc lấy ngói bếp đắp vào những chỗ mái nhà ở đã vỡ và đóng thêm đinh vào những cột nhà cứ động gió to là kêu cót két. Mấy năm nay gỗ bị mọt ăn nhiều, nhiều đêm nằm ngủ, ông bà chỉ sợ "di tích" mình đang sống có cái kèo cái cột nào yếu hay viên ngói vỡ bỗng nhiên rơi xuống.
Danh hiệu "di tích" khiến cho nhiều người dân Đường Lâm suốt một thập kỷ có tiền cũng không được xây nhà, hoặc xây rồi lại bị cưỡng chế phá dỡ. Cái gọi là "di tích" đối với họ là không gian sống dột nát và chật chội. Nhiều năm liền, dân Đường Lâm đã kêu khổ bằng đơn từ và chả được xem xét.
Tháng 2/2014, Dự án Bảo tồn nhà cổ truyền thống tại làng cổ Đường Lâm được UNESCO trao giải thưởng về Bảo tồn di sản văn hóa vì "đạt được nhiều thành công trên cả khía cạnh bảo tồn di tích và phát triển du lịch, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân địa phương", theo như phát biểu của Thứ trưởng Văn hóa Đặng Thị Bích Liên.
Cũng thời gian ấy, bà Tính hoàn thành xong ca mổ tim lần thứ ba và về nhà dưỡng bệnh. Đêm bà không ngủ được, phần vì vết thương mới mổ, phần vì tiếng nước mưa dột gõ nhịp lộp bộp trên tấm bạt nơi ông bà ngủ và giọng 3 đứa cháu nhỏ trong buồng chốc chốc lại khe khẽ gọi mẹ. "Mẹ ơi, nước mưa bắn ướt hết chăn mất rồi". Kể đến đấy, bà lại lấy ống tay áo quệt ngang mắt.
Bà Tính đã mổ tim nhiều lần, đã cắt một quả thận, được bác sĩ xếp vào loại thương tật còn dưới 30% khả năng lao động. Nay ở nhà, bà chỉ quanh quẩn phơi ngô, phơi lạc, thái mấy củ su hào phơi lên mái ngói đợi khô lại thì đem ngâm tương, "nhà đông người, ăn vậy cho tiết kiệm".
Bà cũng không hy vọng sống được bao lâu nữa, chịu khổ cả đời còn được. Nhưng bà thương mấy đứa cháu nhỏ, nhà cửa dột nát chật chội, đến chỗ ngồi học cũng không có.
Chi, chị cả trong 3 đứa cháu sống cùng ông bà, nay đã lên lớp 6. Tôi hỏi cô bé lối ra nhà vệ sinh, nhưng Chi không nói gì, chỉ khẽ cúi đầu nhìn xuống đất rồi chạy ra cổng. Bà Tính nhìn khách ngại ngùng: "Nhà tôi không có nhà vệ sinh. Ban quản lý di tích không cho tự ý xây sửa nhà, dặn chúng tôi đợi khi nào nhà nước hỗ trợ trùng tu nhà sẽ xây cho cả nhà vệ sinh".
Tháng 5/2015, 23 hộ dân xã Đường Lâm ký đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia làng cổ. 4 tháng sau, vẫn là một lá đơn nội dung không thay đổi. Lần này, tổng số chữ ký là 78.
Tháng 2/2014, căn nhà anh Tư được chính quyền cử một nhóm thợ về tu sửa. Tổng chi phí một tỷ hai đồng.
Anh Tư dẫn chúng tôi đi quanh nhà để "xem cái một tỷ hai của Nhà nước đã được sử dụng như thế nào". Giữa màu đen của những thớ gỗ lâu đời xen màu trắng bợt của giống gỗ xoan mới được thế vào. Mới trùng tu được 3 năm, nhưng những vách gỗ mới đã cong lại, nhiều chỗ ngấm sương, ngấm nắng đã nứt ra những khe to cả ngón tay, chạy dài suốt từ sàn tới nóc. Cột nhà mới dựng ngoài hiên đã mốc đen.
"Tôi mà biết họ sửa nhà tôi thành ra thế này, tôi không cho sửa", mẹ anh Tứ, năm nay đã 94 tuổi, kết luận. Giờ gia đình chỉ lấy đấy làm chỗ thờ tự, còn vợ chồng con cái và mẹ anh ở dưới căn nhà ngang 3 gian ngay cạnh, cũng không khá hơn là mấy. Đây vừa là chỗ ngủ, chỗ ăn cơm, chỗ học, chỗ tiếp khách, cũng là chỗ để mấy bao hành, bao ngô, bao lạc đã phơi khô - những thứ tài sản đáng giá nhất trong nhà.
Tuy bất tiện nhưng anh Tư chưa bao giờ nghĩ đến việc phá nhà cổ đi xây nhà mới. Anh bảo mười mấy đời nhà anh đã lớn lên ở đây, dù còn một cái cột nhà anh cũng sẽ cố giữ kỳ được. "Cái nhà tổ tiên mình để lại là văn hóa, là tinh hoa cả, muốn giữ nước, phải giữ được nhà trước đã".
Chữ ký của anh Tư cũng nằm trong lá đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ.
"Tôi từng rất mừng và hy vọng nhiều khi làng mình được công nhận di tích, nhưng lâu dần nhận ra nó không chỉ gây khổ cho dân mà còn làm khổ cả bản thân những căn nhà. Nhìn cái cách họ trùng tu nhà mình, tôi không chịu được", anh Tư giải thích.
Không gian sống mục nát, cộng thêm sự xuất hiện của hàng trăm nghìn khách du lịch mỗi năm khiến nhiều người Đường Lâm cảm thấy tủi hờn. "Khách du lịch chỉ vào tham quan, ăn uống trải nghiệm ở các nhà đã được sửa sang trùng tu đến nơi đến chốn. Còn những nhà như nhà chúng tôi, thi thoảng có đoàn khách vào, chẳng hỏi chẳng chào, cứ mở cổng bước vào, chụp ảnh gia đình tôi như trong vườn bách thú, chỉ trỏ rồi đi ra", anh Tư nói.
- Du lịch có làm Đường Lâm phát triển kinh tế bền vững không?
- Du lịch có tạo ra cơ hội bình đẳng cho dân làng không?
- Du lịch có sử dụng hiệu quả tài nguyên của Đường Lâm không?
- Du lịch có góp phần gìn giữ giá trị văn hóa, sự đa dạng và các di sản không?
- Du lịch có tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo ra an ninh không?
Chúng tôi đem 5 câu hỏi ấy đi hỏi người dân. Đó là 5 tiêu chí của "Du lịch bền vững" Liên Hợp Quốc đề xuất cho các vùng du lịch trên toàn cầu. Và cho dù các cách diễn đạt khác nhau, từ người dân đến nhà quản lý trực tiếp khu di tích đều đưa ra một chuỗi 5 câu trả lời "Không - Không - Không - Không - Không".
Du lịch không tạo ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững, khi nhiều người dân quay quắt với thứ tài sản lớn nhất của mình là ngôi nhà. Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý di tích Đường Lâm bày tỏ: "Quy hoạch làng cổ Đường Lâm như là một cái lồng quản lý di sản và người dân đang phải sống trong cái lồng quy hoạch đó". Ông nghĩ cho đến nay chưa có cơ chế nào giúp cho người dân "sống được trong cái lồng đó để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn được di sản".
Du lịch không tạo ra cơ hội bình đẳng cho dân làng. Đường Lâm hiện có 1.500 hộ với 6.000 người dân đang sinh sống tại di tích làng cổ. Mỗi năm, làng cổ đón khoảng 200.000 khách, nhưng theo Ban Quản lý di tích, chỉ khoảng 10% người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ du lịch.
Du lịch không sử dụng hiệu quả tài nguyên của ngôi làng. Giữa làng, có thể dễ dàng tìm thấy nhóm khách du lịch đang loay hoay vì không biết đi đâu, làm gì. "Không ai cho chúng tôi thấy cái gì khác biệt cả" - một nhóm khách từ Thái Bình than thở trước khi rủ nhau ra về. Họ mong chờ được thấy những nét đặc sắc của một vùng quê Bắc Bộ, nhưng không có. Cả ngôi làng hàng chục di tích lớn nhỏ như Đường Lâm, mở cổng đón khách du lịch đã gần 20 năm nay nhưng không có lấy một tấm bản đồ, một biển chỉ dẫn, một nhà vệ sinh công cộng.
Du lịch không tham gia vào quá trình gìn giữ di sản, mà nỗ lực "đóng băng" ngôi làng bằng các biện pháp hành chính chỉ khiến cho các giá trị dễ phân rã. Phân rã ngay từ hạt nhân quan trọng nhất: mong ước của những gia đình như bà Tính hay anh Tư, giờ chỉ là được sống như một gia đình, có con cái quây quần, được ăn cái Tết đủ mặt người.
Và nếu như sự gắn bó xóm giềng, sự thân thiện là một phần di sản của ngôi làng Bắc Bộ, hay là "sự thấu hiểu lẫn nhau" như diễn đạt của Liên Hợp Quốc, thì du lịch cũng không bảo vệ được nó. "Tôi dẫn khách vào các nhà có nghề phụ, nhiều khi chưa bước vào nhà đã bị hỏi khách có mua đồ không thì hãy vào, chỉ xem thôi thì đi nhà khác" - chị Trang, hướng dẫn viên tiếng Pháp đang đi cùng đoàn chia sẻ. "Còn đến những nhà dân thường, không làm dịch vụ, có khi họ còn đóng cửa không cho vào. Nhiều khi cảm thấy rất ngại với khách".
Năm 2013, sau lá đơn gây chấn động "xin trả lại danh hiệu di tích" của người dân Đường Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi đó đã xuống tận nơi để "lắng nghe" người dân.
Bí thư Hà Nội cũng chủ trì một cuộc hội thảo nhiều bên, qua đó chính quyền Hà Nội đưa ra rất nhiều yêu cầu "tháo gỡ vướng mắc", "giải quyết ngay bức xúc" cho dân Đường Lâm.
Những vấn đề đó vẫn còn cho đến 5 năm sau, khi một nhiệm kỳ lãnh đạo mới đã bắt đầu. Đầu năm 2018, những cuộc họp của chính quyền Hà Nội về số phận ngôi làng lại tiếp tục.
Trong lúc những cuộc họp diễn ra và những "giải pháp tháo gỡ" tiếp tục được bàn thảo, thì nhiều đứa trẻ ở làng Đường Lâm vẫn mang một mong ước rất giản đơn.
"Cháu chỉ mong nhà rộng một tí, lúc ăn cơm còn có chỗ duỗi chân cho thoải mái" - bé Thành, con anh Tư thổ lộ trước khi tiễn khách.
Bài: Thanh Lam
Ảnh: Đỗ Mạnh Cường