Hai bà bầu trên một giường đơn, kẻ ngồi, người nằm là giải pháp duy nhất. |
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, gần 10 bà bầu vịn theo bờ tường hành lang Khoa Đẻ đi lại. Trên băng ghế dài, 7-8 người đàn ông mắt đăm đăm hướng về phía cửa phòng Khoa Đẻ - nơi các quý tử tuổi dê của họ sắp chào đời. Mỗi lần cửa phòng mở, tất cả lập tức bật dậy...
Chị Nghiêm Thúy Hải (35 tuổi, Hà Nội), một sản phụ đang chờ sinh, cho biết, chị đã nằm nội trú tại bệnh viện 2 tuần, trong một căn phòng 4 giường mà có tới 8 người. Chị bị viêm đường tiết niệu, có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con khi sinh nở nên phải nhập viện sớm. "Vợ chồng em đã chuẩn bị từ cuối năm trước, đi tư vấn mấy nơi, tốn gần 10 triệu. Giờ ở đây hai bà bầu trên chiếc giường đơn, người này nằm thì người kia phải ngồi, cũng khổ lắm. Nhưng cứ nghĩ đến thằng cu Quý Mùi là vợ chồng em chịu được hết", chị Hải tâm sự.
Theo chị Hải, vì năm nay "đẹp", sinh trai hay gái đều tốt cả, nên nhiều người cố sinh trong năm. Với tâm lý này mà nhiều phụ nữ đã hơn 40 tuổi nhưng vẫn cố sinh con. Không chỉ thế, còn có cả những bà bầu mới 18-19 tuổi. "Trong 2 tuần, em chứng kiến hai chị 40 tuổi sinh con. Còn phòng bên cạnh, thứ năm tuần trước có tới ba cô bé 18-19 tuổi, người ngoại tỉnh, cười đùa chí choé. Chúng nó còn chưa hết trẻ con!" chị Hải chép miệng.
Trao đổi với VnExpress, TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, cơ sở này đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Mỗi năm số ca đẻ ở bệnh viện chỉ tăng trung bình 1.000 ca, nhưng năm nay con số này đã là 3.000 (tổng số 14.000 ca). Trung bình mỗi ngày có 60 sản phụ sinh nở, riêng hôm qua là một kỷ lục với hơn 70 trẻ ra đời.
"Chúng tôi đang lo vì từ nay đến cuối năm sẽ còn 5.000 trường hợp đăng ký đẻ. Trong khi đó số giường cho sản phụ chỉ là 380. Như thế tình trạng quá tải sẽ càng trở nên trầm trọng”, ông Tuấn nhận định.
Không chỉ Bệnh viện Phụ sản trung ương, tình trạng quá tải là điểm chung của hầu hết khoa sản của các bệnh viện Hà Nội. 9 tháng qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nhận hơn 10.000 ca, công suất phục vụ lúc nào cũng trên 120%. Cơ sở này thậm chí phải quây hành lang thành phòng khám để phục vụ người dân. Còn ở Bệnh viện Bạch Mai, không sản phụ nào có thể nằm riêng một giường. Số giường ở khoa sản chỉ là 18, trong khi đó ngày nào cũng có 25-30 sản phụ chờ sinh. Có những ngày có tới gần 40 trẻ ra đời.
Lý giải nguyên nhân gia tăng sản phụ trong năm nay, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng do quan niệm của người dân. Họ tin rằng năm Quý Mùi sinh con trai thì tài, con gái thì phú quý. Thế nên có gia đình dù đã đầy đủ cả trai lẫn gái vẫn muốn sinh thêm. Hoặc có người thể trạng không tốt, sinh con có thể gặp nguy hiểm, nhưng vì bị gia đình thúc ép đành phải sinh. Cá biệt, có đôi uyên ương chưa sẵn sàng tiến tới hôn nhân, nhưng vì muốn có "con dê vàng" nên vội vàng cưới đầu năm để đến cuối năm sinh thằng cu. "Không biết các cháu sau này có phú quý thật không, nhưng giờ thì không chỉ các bà mẹ, mà cả chúng tôi đều khổ", bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Thiện Trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, cũng cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là người dân có tâm lý thích sinh con năm Quý Mùi. Theo dự đoán của cơ quan này, vì chữ "Quý" nên năm nay sẽ có khoảng 500.000 phụ nữ mang thai, tỷ lệ sinh ở nhiều tỉnh và thành phố tăng hơn 10% so với trước.
Một nguyên nhân khác khiến các khoa sản quá tải là Pháp lệnh dân số được Quốc hội thông qua từ tháng 3 khiến nhiều người hiểu lầm rằng Nhà nước không hạn chế số con của mỗi cặp vợ chồng.
Thiên Đức