"Chúng ta chống tham nhũng với nhau chả ăn thua đâu, đã đến lúc phải dựa vào dân mới giải quyết được vấn đề", ông Lù Văn Que (nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban dân tộc trung ương) nói tại Hội nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ 13, ngày 4/1.
Ông Que cũng cho rằng, MTTQ phải thể hiện vai trò chủ lực trong chống tham nhũng, tập trung vào công việc cụ thể, phát hiện ra vấn đề thì báo cho cơ quan pháp luật nghiên cứu.
"Tài sản quan chức phải được công khai. Không để tình trạng cán bộ kê khai nhưng chỉ có tổ chức biết với nhau, như thế người dân không giám sát được", ông nói và đề nghị phải trị được bệnh lạm quyền, kiểm soát được quyền lực của người có chức quyền mới có thể chống được tham nhũng.
Cũng là một trong nhiều đại biểu quan tâm về chương trình hành động của MTTQ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, ông Hà Văn Núi (Ủy viên Uỷ ban trung ương MTTQ) cho rằng, các cơ quan tố tụng đã và đang đưa một số đại án ra xét xử, không phân biệt đối tượng... đã tạo phấn khởi cho nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, tâm trạng chung của bà con rất băn khoăn, bởi có cả hệ thống chính trị cồng kềnh, to lớn từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn để tham nhũng xảy ra.
"Năm nào tổng kết cũng báo cáo thành tích đã chặn đứng, đẩy lùi mà sao tham nhũng vẫn tràn lan. Động đến tập đoàn nào cũng có chuyện sai phạm trăm tỷ, nghìn tỷ. Trẻ con ăn cắp bánh mì bị đi tù, mà lãnh đạo những tập đoàn gây thất thoát nghìn tỷ chưa thấy xử lý ra sao", ông Núi đặt vấn đề.
"Tôi thấy lỗi hệ thống, lỗi tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp, có sự kiện xảy ra không ai chịu trách nhiệm", ông nói và đề nghị trung ương bố trí lại hệ thống tổ chức chính trị, MTTQ cùng tham gia kiên quyết sắp xếp bộ máy cho tinh gọn.
Cùng quan điểm, ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam) thẳng thắn: "Trước đây tôi công tác ở Mặt trận chỉ có một người giúp việc. Có đồng chí bây giờ 4-5 người cố vấn, trợ lý. Trên sửa đi, dưới sẽ sửa ngay".
Ông Duyệt đề nghị MTTQ trong mỗi giai đoạn phải nhận thức khác, không nên bằng lòng với đời sống người dân hiện nay. Phải tạo động lực cho đất nước phát triển không thua kém các nước trong khu vực và thế giới. Muốn làm được, theo ông, phải đẩy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân lên cao hơn, chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính và phát huy dân chủ.
Đoàn chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ đánh giá những năm qua cơ quan này đã thực hiện nhiều biện pháp chống tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn hạn chế. Tình trạng này đang gây nhức nhối xã hội, MTTQ cần ban hành chương trình hành động với 6 nhiệm vụ và giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020.
Cụ thể, MTTQ cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng; chủ động tham gia xây dựng, phản biện xã hội hoàn thiện chính sách, pháp luật để phòng chống; thực hiện tốt công tác giám sát; xây dựng quy trình tiếp nhân, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí; chủ động, phối hợp báo chí đấu tranh; nâng cao chất lượng bộ máy và cán bộ.
Phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp Nhà nước gây thất thoát Thông tin tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam, cho biết nhân dân và cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng khá, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính... Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng chậm, năng suất lao động chưa cao, nợ công cao; phát hiện nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, gây thất thoát; số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhưng năng lực cạnh tranh thấp. Quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế; nhiều cơ chế, chính sách bất cập. Tham nhũng, lãng phí chưa thực sự đẩy lùi, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và công khai các kết luận thanh tra chưa kịp thời... |
Tuyết Nguyễn