Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM vừa kiến nghị UBND thành phố khảo sát, đánh giá để bổ sung Dinh Thượng thơ (tòa nhà số 59-61 Lý Tự Trọng đang là trụ sở của Sở Thông tin - Truyền thông) vào danh mục các công trình được nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Đồng thời, thu thập tài liệu, đánh giá để có giải pháp quản lý đối với công trình này.
Theo Sở, Dinh Thượng thơ hiện không được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, tòa nhà cổ này thuộc danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử của đồ án quy hoạch khu trung tâm thành phố 930 ha.
Tài liệu về nguồn gốc hình thành cũng như quá trình sử dụng tòa nhà này qua nhiều thời kỳ tương đối đầy đủ, có thể chứng minh được phần nào ý nghĩa công trình trong suốt quá trình tồn tại. "Nhìn chung kiến trúc và không gian của công trình có phản ánh được phong cách kiến trúc theo lối dinh thự thời kỳ Pháp thuộc", Sở Quy hoạch - Kiến Trúc đánh giá.
TP HCM từng không muốn bảo tồn
Trước đó, nói trong cuộc họp báo của UBND TP HCM đầu tháng 5, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thành phố xem xét rất kỹ khi chọn phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP HCM. Trong đó, tòa nhà gần 130 năm tuổi có thể bị đập bỏ.
"Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa - Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn. Có rất nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc với công trình kiến trúc cũ, luôn có rất nhiều thứ khiến chúng ta như vậy, song cũng phải tùy vào từng hoàn cảnh chứ không phải lúc nào cũng đem tâm tình ra nuối tiếc", ông Nhã nói.
Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cũng cho biết việc xây dựng trung tâm hành chính đã được thành phố trăn trở từ khá lâu. Nhiệm kỳ lãnh đạo trước đã tổ chức thi tuyển, chọn được phương án nhưng Chính phủ sau đó yêu cầu tạm dừng.
Thời điểm đó, thành phố đã yêu cầu bảo tồn tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng vì là di tích lịch sử nhưng không ban ngành nào xác nhận. Đơn vị thiết kế đưa ra phương án sẽ dời tòa nhà vào chính giữa đường Lý Tự Trọng (giới hạn bởi đường Pasteur và Đồng Khởi) nhưng cách này rất tốn kém.
"Tòa nhà này không nằm trong danh mục bảo tồn. Thành phố xin chia sẻ ý kiến của các chuyên gia và cũng đã nghiên cứu rất nhiều, song chúng ta có nhiều cách bảo tồn để gợi lại cho người đời sau hiểu về Sài Gòn kiến trúc xưa", ông Hoan nói và cho biết chính quyền thành phố luôn chấp nhận những ý kiến trái chiều để điều chỉnh cho phù hợp.
Nhiều chuyên gia phản đối đập bỏ Dinh Thượng thơ
Hồi cuối tháng 4 Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức triển lãm lấy ý kiến người dân về phương án mở rộng trụ sở HĐND - UBND thành phố (trong đó có nội dung phải phá bỏ toàn bộ tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng). Sau nửa tháng triển lãm, đa phần ý kiến đều đồng thuận việc mở rộng cũng như thiết kế của tòa trụ sở UBND và HĐND thành phố. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến góp ý liên quan đến việc bảo tồn công trình cổ này.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, rất nhiều chuyên gia có ý kiến ủng hộ bảo tồn như KTS Ngô Viết Nam Sơn, TS Nguyễn Thị Hậu, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Khương Văn Mười... Đặc biệt, trước đó phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng như hội văn nghệ sĩ thành phố cũng có đơn kiến nghị bảo tồn gửi đến chính quyền thành phố về việc bảo tồn công trình này.
Đây là một trong những công trình kiến trúc lâu đời của TP HCM. Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân đương thời gọi là Dinh Thượng thơ.
Qua nhiều thời kỳ, tòa nhà được cải tạo, mở rộng để phục vụ cho việc cai trị của người Pháp như Bộ Nội vụ, trụ sở Bộ Kinh tế. Sau khi thống nhất đất nước, công trình trở thành trụ sở của Sở Công thương và hiện là trụ sở làm việc của Sở Thông tin - Truyền thông.
Dinh Thượng thơ được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.
Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình này đã gần 160 tuổi.
Hữu Nguyên