Chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, hầu hết nội dung dự thảo Luật đã đạt được thống nhất, chỉ có quy định tại điều 57 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức không giải trình được hợp lý về nguồn gốc còn ý kiến trái chiều.
Theo bà Nga, điều 57 trước đây đưa ra hai phương án xử lý là đánh thuế thu nhập cá nhân (mức 45%) và xử phạt hành chính (cũng mức 45% giá trị tài sản). Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, ban soạn thảo đã bỏ phương án xử phạt hành chính, đề xuất phương án mới là "xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản này theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án".
Theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế thì việc xác lập quyền sở hữu phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.
Cụ thể, trường hợp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kết luận là việc giải trình của cán bộ, công chức không hợp lý thì trong thời hạn 30 ngày, cơ quan này có trách nhiệm đề nghị tòa công nhận quyền sở hữu của Nhà nước với tài sản đó.
Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với kết luận thì cơ quan chức năng khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chưa đưa ra tòa đã quy định ngay là "xác lập quyền sở hữu nhà nước" thì không được.
Bà Nga sau đó giải thích việc tiếp cận phương án mới liên quan tới nhiều bộ luật, trong đó có Bộ Luật Dân sự. Cụ thể, điều 221 Bộ luật Dân sự quy định 7 trường hợp xác định quyền sở hữu tài sản, nhưng không có trường hợp nào liên quan đến tài sản tăng thêm không được giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Qua thảo luận, Ủy ban Tư pháp thấy ngoài 7 trường hợp trên thì điều 221 còn mở ra trường hợp thứ 8 “do pháp luật quy định”. Vì vậy, bà Nga cho rằng cần quy định như trên để Tòa án lấy căn cứ giải quyết vụ việc. “Phải có điểm bám thì Tòa án mới xác định được”, bà Nga nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội vẫn cho rằng “chưa gì đã xác định tài sản nhà nước ai mà chịu, dân làm sao chịu được, sẽ gây rối loạn xã hội”.
Ông Bùi Mạnh Cường, Phó viện trưởng VKSND Tối cao nêu quan điểm, khi chưa xác định được sở hữu từ đầu là ai (nhà nước hay cá nhân) thì cơ quan chức năng kết luận vụ việc và chuyển hồ sơ tới tòa, tòa sẽ xem xét tính hợp lý của việc giải trình của các bên liên quan và ra quyết định thu hồi tài sản nếu thấy việc giải trình không hợp lý.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ lo lắng với câu hỏi: “Tôi không biết đề xuất mới có khả thi không? Giả sử khởi kiện đại biểu Quốc hội ra Tòa thì phải báo cáo Quốc hội, sẽ rất phức tạp”.
Cho rằng phương án xác lập quyền sở hữu bằng tố tụng dân sự rất văn minh, tuy nhiên Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm tới tính khả thi khi áp dụng. “Cơ quan quản lý việc kê khai tài sản có tính độc lập không? Có dám ra tòa để nói tài sản của lãnh đạo kê khai không hơp lý? Tôi e là không có vụ nào ra tòa cả. Và như vậy quy định sẽ không đi vào cuộc sống”, ông Học nói.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị "gút" hai phương án là giải quyết bằng tố tụng dân sự và đánh thuế thu nhập cá nhân để trình Quốc hội.
Nhưng dù phương án nào, ông Lưu khẳng định tài sản do tham nhũng mà có thì phải tịch thu; khi xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật là phải chuyển các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc.
Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm.