Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội nhằm tăng cường nét đẹp truyền thống tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Giáo hội đề nghị chư tôn đức tăng ni trụ trì các chùa, thiền viện, tu viện... nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Trong các bài giảng, chư tôn đức tăng ni cần chú trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo.
Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay, dịp lễ Tết, mùa vu lan hàng năm Giáo hội đều khuyến cáo không đốt vàng mã ở nơi thờ tự của Phật giáo. Trước Tết Mậu Tuất 2018, Giáo hội tiếp tục đăng tải lên trang điện tử với mục tiêu tuyên truyền mạnh hơn. Việc không đốt vàng mã sẽ được đưa vào các bài thuyết giảng, nghị lễ để các tăng ni, phật tử biết, thực hiện và qua đó lan tỏa toàn xã hội.
“Đốt vàng mã là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua, Giáo hội, Bộ Văn hóa khuyến cáo nhưng không thuyên giảm. Cần có sự chung tay của cộng đồng, các cấp chính quyền mới mong giảm được”, Thượng tọa Thiện nói và cho biết Luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ tháng 1/2018. Nếu nghị định hướng dẫn sắp ban hành có chế tài đối với hành vi đốt vàng mã không đúng sẽ là biện pháp tốt giảm được tục lệ này.
Liên quan đến công tác quản lý lễ hội, công văn ngày 21/2 của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn.
Từ thực trạng trên, Cục đề nghị có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ; hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường; phối hợp với cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người ăn xin, ăn mày đeo bám gây bức xúc cho du khách.
Nghị định 158 năm 2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, nêu rõ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. |