Thành lập năm 1149 thời vua Lý Anh Tông, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trong suốt 7 thế kỷ, đây là thương cảng sầm uất nhất Việt Nam, nơi tàu buôn hàng chục nước châu Á, châu Âu vào trao đổi hàng hóa.
Thương cảng cổ là hệ thống bến thuyền trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), phạm vi khoảng 200 km2. Trung tâm thương cảng được cho là ở bến Cái Làng, nằm dưới chân núi Man, phía đông bắc xã đảo Quan Lạn.
Xưa kia bến Cái Làng có vụng to, nước sâu, kín gió, thuận tiện cho tàu thuyền ra vào. Nhưng do thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của bến cảng không còn. Giờ nơi này chỉ là bãi triều rộng lớn, sâu khoảng 2 m khi nước lên và trơ ra bãi sú bùn lầy khi nước xuống.
Bến Cái Làng hiện còn tồn tại bãi vỏ sành, sứ chum, vại, hũ, lọ, bát… của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn kéo dài hàng trăm mét. Các nhà nghiên cứu cho rằng khu vực này là nơi khuân vác hàng hóa từ thuyền lên xuống cảng. Những mảnh sành, sứ vỡ được vứt đi trong những lần vận chuyển.
Vượt qua bến cảng là vùng đồi núi rậm rạp cây cối, với nhiều dấu tích đình, chùa và nền nhà cổ… Hiện bến Cái Làng còn ba hộ dân sinh sống. Anh Hoàng Trung Tín (42 tuổi, xã Quan Lạn) là đời thứ ba của gia đình sống tại bến này.
“Ngay phía sau nhà tôi có đoạn tường thành cổ dài hàng chục mét, là những khối đá xếp lên nhau. Đá xếp rất khéo, dù nhiều khe suối chảy từ trên núi xuống nhưng không bị xô lệch", anh Tín nói.
Ở bến Cái Làng có đền thờ vua Lý Anh Tông, người sáng lập ra thương cảng Vân Đồn. Cách đền vài chục mét, có cây đa tồn tại gần 1.000 năm, gần đó là giếng cổ tên Hệu và dấu tích nền đình. “Những dấu tích cho thấy khu vực bến Cái Làng tồn tại một làng cổ từ lâu đời”, anh Tín chia sẻ.
Giếng Hệu hay còn gọi là giếng Nàng Tiên, Nước Mắt. Giếng sâu hơn một mét, nước trong suốt, ngọt mát ngay cả khi trưa hè. Nước giếng lúc nào cũng đầy ắp dù mùa khô hanh. Xưa kia giếng Hệu phục vụ người dân ở bến Cái Làng, các tàu buôn trong và ngoài nước.
Có rất nhiều câu chuyện xung quanh giếng cổ này. Ông Phạm Quốc Duyệt (71 tuổi, trú xã Quan Lan, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh) kể xa xưa tóc con gái trong làng rất dài, khi tắm nước giếng thì da trắng hồng cho nên có câu: Khi đi tóc mới ngang vai/ Khi về tắm nước giếng Hệu tóc dài ngang lưng.
Còn có truyền thuyết khác, một đôi trai gái thường hẹn hò bên giếng Hệu. Vì đi chiến đấu chống giặc Nguyên, chàng trai nhiều năm không về. Người con gái đêm đêm ra giếng Hệu cầu nguyện cho người yêu bình an trở về, nhưng chờ mãi không thấy nên khóc mù cả đôi mắt. Một ngày cuối xuân, chàng trai cùng đoàn quân chiến thắng trở về.
Đứng bên người yêu chàng trai cảm phục vì lòng chung thủy của cô gái, hai người đã dẫn nhau ra giếng Hệu kể cho nhau nghe những năm tháng xa cách, câu chuyện kéo dài đến đêm khuya. Bỗng một mạch nước dưới giếng phun nên ướt cả mặt hai người và mắt cô gái sáng ra. Ngày hôm sau đám cưới linh đình được tổ chức. Vì vậy giếng Hệu còn có tên là giếng Nàng Tiên và giếng Nước Mắt.
Từ năm 1968 đến nay, nhiều đoàn khảo cổ trong và ngoài nước đến Cái Làng, phát hiện các dấu tích, hiện vật như: bờ kè, cầu cảng, cống tiêu nước, đồ gốm sứ, tiền đồng… Từ những phát hiện này, ngày 29/10/2003, thương cảng cổ Vân Đồn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.