Chiều 4/12, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội, đại biểu Đỗ Thuỳ Dương phản ánh có thực trạng các danh hiệu văn hoá được trao tặng tràn lan.
"Khảo sát của Ban văn hoá của HĐND thành phố cho thấy có hơn 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, khoảng 70% các tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá, rồi làng văn hoá, thôn văn hoá...", bà Dương liệt kê và cho hay Hà Nội từng đánh giá "phần lớn danh hiệu trên mang tính hình thức và đầu voi đuôi chuột".
Nữ đại biểu cho rằng, những giải pháp xây dựng, nâng cao văn hoá và quy tắc ứng xử muốn đi vào cuộc sống phải có sự tham gia của người dân. Đây là điều "không thể áp đặt từ trên xuống".
Bà Dương đề xuất có thể tổ chức cuộc thi với những video về hành vi ứng xử đẹp và mời nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến, chấm điểm.. Hoặc mỗi cặp vợ chồng trước khi nhận giấy đăng ký kết hôn cần được trao một cuốn sổ tay với nội dung "làm thế nào để chung sống hạnh phúc giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình", hay khi trao giấy chứng sinh thì kèm sổ tay nuôi dạy con tốt và đáp ứng quyền trẻ em...
"Công tác tuyền thông tận tay cũng là một trong những giải pháp để xây dựng văn hoá và quy tắc ứng xử", bà Dương nói.
Xây dựng chính quyền đô thị
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội Hà Nội) đề nghị trong mục tiêu phát triển thủ đô 2018 và những năm tiếp theo cần nhấn mạnh phát triển thành phố theo hướng văn minh.
Theo ông Bình, Hà Nội cần phải đi đầu cả nước về xây dựng thành phố theo hướng văn minh trên nền tảng của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Dẫn phát biểu của Bí thư Thành uỷ Hà Nội tại phiên khai mạc kỳ họp về việc "thành phố đã được Bộ Chính trị cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các quận nội thành", đại biểu Bình đề nghị bổ sung vào nghị quyết việc triển khai xây dựng đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị ở khu vực nội thành.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế cho rằng, chính quyền đô thị phải gắn với phương thức vận hành đô thị thông minh. Ông Bình cho biết, thời gian qua thành phố đã quản lý một số lĩnh vực theo phương thức thông minh như giao thông, y tế, giáo dục…
Nhưng ông Bình cho rằng trước mắt Hà Nội cần xây dựng đề án để áp dụng việc quản lý thông minh trên một địa bàn, có thể áp dụng với một hoặc một số quận nội thành trung tâm theo phương thức đô thị thông minh.
Cùng đề cập đến vấn đề xây dựng chính quyền đô thị, đại biểu Dương Đức Tuấn (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm) cho rằng, thành phố cần chú ý sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch đô thị, các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu còn lại, nhất là quy hoạch sông Hồng, quy hoạch ngầm, quy hoạch không gian đô thị...
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hoàn Kiếm đề nghị hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời tổng hợp rà soát tổng hợp hệ thống quy hoạch đô thị nhằm tạo lập công cụ quản lý đô thị ổn định, nâng cao năng lực chất lượng quản lý điều hành đô thị.
Rà soát tiêu chuẩn, quy trình bình xét danh hiệu văn hoá Chiều 4/12, với 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,3-7,8%; vốn đầu tư xã hội tăng 10,5-11%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 7,5-8%; tỷ lệ hộ dân ở khu vực thành thị sử dụng nước sạch đạt xấp xỉ 100%, ở nông thôn là 55%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 85,3%; tăng thêm 26 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực đô thị đạt 98%, ở khu vực nông thôn đạt 88%. Nghị quyết cũng nêu, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ công viên chức người lao động cơ quan Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”; rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình bình xét danh hiệu văn hóa, đảm bảo thực chất, đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng; xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh... |