Ngày 21/3, chính quyền quận Liên Chiểu và phường Hòa Hiệp Nam đã đến khu dân cư Nam Ô thuyết phục người dân không tụ tập đông người, ảnh hưởng an ninh trật tự tại khu vực dự án Lancaster Nam O Resort, cuối đường biển Nguyễn Tất Thành.
Một ngày trước, bảo vệ dự án resort của tập đoàn Trung Thủy khóa lối xuống ghềnh đá Nam Ô. Nhiều người dân sau đó tụ tập phản đối. Công an được điều đến vãn hồi trật tự. Chỉ khi cánh cửa sắt mở lại, người dân mới giải tán.
Ông Nguyễn Văn Huân ở làng Nam Ô cho biết, ghềnh đá đẹp thì nên để người dân và du khách đến thưởng lãm, tắm biển. Xe cộ cũng đã gửi và để gọn gàng, không có lý do gì bảo vệ dự án ngăn cản, đóng lối xuống biển.
Nhiều người dân cho biết, bao đời nay đã sống gắn với biển, giờ bị chặn lại là không thỏa đáng. "Bảo vệ lấy lý do sợ người lạ vào khu dự án, tắm biển rồi té ngã, không an toàn để rào chắn lối đi này lại. Nhưng chúng tôi hàng ngày vẫn lên xuống bãi biển bình thường", chị Lê Hoa bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam cho biết, dự án khu resort được chính quyền thành phố Đà Nẵng giao cho tập đoàn Trung Thủy xây dựng khu resort từ năm 2008. Năm 2017, hơn 500 hộ dân có nhà ở đồng ý giải tỏa để bàn giao 33 ha đất mặt biển, bao gồm cả rừng Nam Ô cho chủ đầu tư.
Chủ đầu tư làm một con đường dân sinh tiếp giáp giữa dự án với khu dân cư, đồng thời dựng hàng rào thép, đóng tôn vây kín khu đất ven biển. Năm lối đi tạm được mở để người dân ra di tích Lăng Ông, xuống thuyền ra khơi đánh cá.
"Gần đây có người đến ghềnh Nam Ô chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội. Thấy bãi rêu đẹp mắt, mỗi ngày có khoảng 400-500 người tìm đến du lịch, tắm biển tự phát rất dễ xảy ra tai nạn, đốt lửa trại qua đêm tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng", bà Lệ nói.
Theo chủ tịch phường, hôm qua 20/3 chủ đầu tư và chính quyền họp, thống nhất đóng lối xuống bãi Rạng. Phường dự kiến gửi văn bản thông báo đến ba tổ dân phố và tổ chức họp dân vào tối cùng ngày. Tuy nhiên đến gần trưa, bảo vệ khóa lối xuống bãi Rạng nên người dân tập trung phản ứng.
Bà Lệ cho biết bốn lối xuống biển còn lại vẫn mở cửa bình thường cho người bản địa xuống nơi neo đậu thuyền ra khơi. Còn lối xuống bãi Rạng có một số hộ mở dịch vụ ăn uống, làm bãi giữ xe. "Khi nguồn thu bị ảnh hưởng thì số ít người dân phản ứng, chứ không phải toàn bộ dân trong vùng", bà Lệ nói.
Ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết khi thành phố có chủ trương giao đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch, người dân đã đồng thuận, không có bất cứ cản trở nào cho đến khi lối xuống bãi Rạng bị đóng lại.
"Đất giờ là của chủ đầu tư. Khu vực này cũng chưa có phương án khai thác du lịch nên không thể để dân tập trung đông người, lỡ xảy ra tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng thì địa phương lại phải chịu trách nhiệm", ông Thiết nói.
Phó chủ tịch quận cho biết, thành phố đã đồng ý chủ trương xây dựng dự án, bàn giao đất cho chủ đầu tư nhưng chưa phê duyệt hồ sơ xây dựng. "Quận đã đề xuất thành phố trao đổi với chủ đầu tư để chừa lối xuống biển cho người dân", ông Thiết nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết hiện tại vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiêu lối xuống biển cố định, sau khi dự án hoàn thành.
Nam Ô nổi tiếng với nghề làm mắm truyền thống và là nơi lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa. Cánh rừng trải dài theo ghềnh đá đã được người dân gìn giữ nguyên vẹn hàng trăm năm qua. Tương truyền, trên đường đào thoát khỏi Chiêm thành, công chúa Huyền Trân đã ẩn nấp trong khu rừng này, trước khi lên thuyền về lại cố quốc. |