Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị do Bộ Xây dựng soạn thảo. Ủng hộ sự cần thiết có luật trong điều kiện Việt Nam đang tăng trưởng đô thị nhanh nhưng Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, luật có 66 điều sao hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ có 6 điều thì đảm bảo yêu cầu ra sao?
Theo ông Phúc, dự án luật phải đặt ra các vấn đề nóng hiện nay để giải quyết, như: căng thẳng giữa người dân với chính quyền về quản lý vỉa hè thì giải quyết thế nào? Tại phố cổ xử lý ra sao để vừa bảo tồn kiến trúc, phòng chống cháy nổ mà vẫn đảm bảo đời sống người dân? Khu phố đi bộ có đặt ra trong luật không?
"Đã đến lúc chúng ta phải quản lý xây dựng hệ thống ngầm chung hiệu quả chứ không thể để quanh năm suốt tháng đào lấp đường, vỉa hè. Rồi tên phố, số nhà còn lộn xộn, tìm nhà không được thì làm sao gọi là văn minh?", Tổng thư ký Quốc hội nói.
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cũng đồng tình với ông Phúc khi cho hay nhiều địa phương đã lên đô thị nhưng không có tiêu chí cụ thể dẫn đến tình trạng "có nơi dở nông thôn, dở đô thị", hoặc đô thị nơi này khang trang hơn đô thị khác.
Trước thực trạng đó, ông Tuý đề nghị phải có quy định cụ thể quản lý đường như thế nào; công viên, công trình phúc lợi xã hội ra sao... Luật cần đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí để các địa phương làm theo.
Chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá, lâu nay quản lý đô thị kém nên mới có chuyện phá vỡ, băm nát quy hoạch. Tuy nhiên, nội hàm phần quản lý trong dự luật chưa được thiết kế đậm nét.
"Luật này phải góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, xử lý nước sạch... nhưng các điều khoản cụ thể chưa đề cập nhiều, đề nghị phải thiết kế thêm", ông Chiến nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng góp ý, phải làm rõ mối quan hệ giữa luật này với Luật Quy hoạch đô thị.
Theo bà Ngân, tình trạng đào đường, hạ tầng kỹ thuật, mất cân đối giữa xây dựng các công trình nhà, công trình công cộng, công viên, cây xanh, vi phạm không gian kiến trúc về độ cao... liên quan đến quy định pháp luật. Vì vậy, Luật Quản lý và phát triển đô thị mà thiếu những quy định chặt chẽ liên quan đến các vấn đề này thì rất khó khăn để quản lý và không giải quyết được vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
"Chúng ta có con sông Hồng rất đẹp nhưng đi qua cầu nhìn hai bên thấy ngổn ngang, hỗn độn, trong khi nhiều nước thì không gian hai bên bờ sông là nơi đẹp nhất của thành phố đó. Luật này phải từng bước giải quyết được những bất cập như thế", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị hoàn thiện thêm dự án luật.
Cho rằng dự luật phải nâng lên một mức nữa mới đủ điều kiện trình ra Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc ý kiến, khi đủ điều kiện thì trình ra thường vụ Quốc hội sau khi Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức.
"Nguyên tắc là dự luật nào chưa đáp ứng điều kiện, chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục nghiên cứu thêm", ông Hiển.
Theo kế hoạch, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 20/5.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số nguyên tắc như nguyên tắc bảo đảm tăng trưởng nhằm phù hợp với nội dung trong Chương trình Nghị sự 2030 và Kế hoạch hành động của Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2030 phải đảm bảo tất cả mọi người dân được tiếp cận với những dịch vụ cơ bản và dịch vụ nhà ở phù hợp, an toàn, trong khả năng chi trả; xóa bỏ các khu ổ chuột, xây mới, nâng cấp, cải tạo các khu nhà ở không đảm bảo chất lượng; tăng cường năng lực lập quy hoạch và phát triển đô thị bao trùm và bền vững, có sự tham gia của cộng đồng; tăng đáng kể số đô thị và khu dân cư áp dụng quy hoạch và chính sách tích hợp hướng tới sự bao trùm, hiệu quả nguồn lực, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng khả năng chống chịu trước thảm họa… |