Cho ý kiến ở tổ về dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông chiều 8/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, quan ngại khi có tới 8/11 dự án sẽ đầu tư theo hình thức BOT. "Phải xem xét kỹ", ông nói.
Ông Bảo phân tích, xây bằng BOT thì phải thu phí, trong khi chi phí vận tải của Việt Nam đang cao nhất khu vực. Như vậy sẽ góp phần hạn chế sự cạnh tranh của nền kinh tế cũng như từng doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giá thành.
Theo ông, vừa qua các dự án BOT nhiều sai phạm; đa phần BOT là cải tạo, mở rộng, nâng cấp trên các tuyến đường độc đạo làm hạn chế sự lựa chọn của người dân.
Hơn nữa, cơ bản các dự án BOT đã triển khai đều được chỉ định đầu, không minh bạch và không có tính cạnh tranh. Trong khi đó, công tác thu phí bất cập, nhiều trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án; nhiều nơi làm đường một nơi, thu phí một nẻo, khoảng cách trạm thu phí gần nhau gây bức xúc trong dư luận.
"Với tình hình này, khi hoàn thành xong cao tốc Bắc – Nam, có thể đây chỉ là lựa chọn của người dân có điều kiện, các doanh nghiệp lớn và cơ quan Nhà nước chứ không phải lựa chọn của người có thu nhập trung bình và doanh nghiệp nhỏ", ông Bảo nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nêu góc nhìn khác. Theo ông, vừa qua dư luận bàn tán nhiều về dự án BOT, cho rằng "đánh vào người nghèo, làm nền kinh tế bị ảnh hưởng, làm khả năng cạnh tranh giảm sút". Tuy nhiên, theo thống kê trong 55 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào thu phí thì chỉ có 8 trạm là có vấn đề. Như vậy tỷ lệ chỉ là 11 – 12% chứ không phải là tất cả 100%.
"Lợi ích BOT đem lại rất lớn. Nhưng chia sẻ lợi ích thì chúng ta chưa làm tốt. Do đó, có bộ phận cảm giác bị thiệt, có doanh nghiệp lại được lợi rất nhiều", ông Kiên nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, BOT rất cần khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nhưng khi triển khai dự án theo hình thức này cần rút kinh nghiệm để khắc phục những nhược điểm hiện tại. Ông Ngân bày tỏ lo lắng khi số vốn nhà đầu tư cần vay để triển khai 8 dự án thành phần BOT trên 50.790 tỷ đồng là khá lớn. "Nếu nhà đầu tư tư nhân vay số tiền này thì tỷ số nợ rất lớn, ai sẽ cho vay? Chưa kể dự án này không phải của nhà đầu tư, nên họ không thể đem đi thế chấp vay", ông Ngân nói.
Đại biểu này cho rằng Chính phủ cần làm rõ vốn huy động ngoài ngân sách cho các dự án thành phần của dự án như thế nào. "Nên có chính sách đồng tài trợ của ngân hàng, đảm bảo khoản vay triển khai theo đúng tiến độ, lãi suất công bằng cho 8 dự án", ông Ngân nói.
Suất đầu tư dự án thấp hơn 'chuẩn' công bố
Phân tích về tổng vốn đầu tư 118.716 tỷ đồng cho 654 km, ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM, cho rằng suất đầu tư bình quân 181,5 tỷ đồng cho một km, là thấp hơn tiêu chuẩn đầu tư vào mỗi km đường cao tốc do Bộ Xây dựng công bố và nhiều dự án cao tốc khác đã làm trước đây, như: Cao tốc Hải Phòng – Hạ Long suất đầu tư 650 tỷ đồng một km; Long Thành – Dầu Giây là 479,7 tỷ đồng một km.
“Suất đầu tư thấp khiến tôi lo lắng vì trong quá trình làm đội vốn sẽ phải xin lại chủ trương đầu tư mới, sửa Nghị quyết, điều chỉnh dự án..., rất rườm rà. Chính phủ, Bộ Giao thông nên tính toán kỹ suất đầu tư này, trong đó cần đưa thêm khoản dự phòng”, ông nói.
Ngoài lo lắng về nguồn vốn khá lớn đầu tư vào dự án này, các đại biểu cũng băn khoăn về năng lực nhà thầu tham gia dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho hay có những nhà thầu làm đường xong cắm ngay biển bảo hành 5 năm, nhưng cũng có nhà thầu mới khánh thành thì đường đã hỏng.
"Phải có điều kiện chặt chẽ. Đấu thầu cũng có 2 mặt, nếu không cẩn thận còn tiêu cực hơn chỉ định thầu", ông Phương nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, năng lực nhà thầu cần quy định rõ trong Nghị quyết Quốc hội. "Nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông một km có tới 3-4 nhà thầu, rất vụn vặt", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Chương nói: “Tôi lo cho chất lượng công trình, năng lực các nhà đầu tư khi tham gia công trình này. Mình đi đường Campuchia, Lào cứ êm ru, mà đường bên mình đi “giật cục, nảy nảy”, đường đi một thời gian là xuống cấp rồi lại nâng cấp”.
Dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam sẽ gồm 11 dự án thành phần, trong đó 8 dự án sẽ được đầu tư theo hình thức công - tư (chủ yếu là BOT) khoảng 530 km tổng vốn đầu tư 104.079 tỷ đồng. 3 gói đầu tư công gồm: Ninh Bình – Thanh Hóa, Cam Lộ - Túy Loan, Cầu Mỹ Thuận 2 và 7 km cầu Mỹ Thuận. Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch phân vốn trái phiếu Chính phủ là 80.000 tỷ đồng, trong đó dành 70.000 tỷ đồng cho dự án giao thông và 10.000 tỷ dự án chống ngập TP HCM. Trong 70.000 tỷ thì đưa vào dự án cao tốc Bắc Nam 55.000 tỷ, còn lại để xử lý cầu yếu đường sắt và các vấn đề cấp bách khác. |
Anh Minh - Hoàng Thuỳ