Chiều 13/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trình Thường vụ Quốc hội dự án Luật trồng trọt.
Dự luật có nội dung về chiến lược phát triển trồng trọt, được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, trình Thủ tướng phê duyệt; UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để phát triển trồng trọt trên địa bàn.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu băn khoăn, trong chiến lược phát triển trồng trọt nói trên thì trách nhiệm nhà nước như thế nào? Nếu nông sản không tiêu thụ được, cơ quan nào sẽ bảo hộ cho người dân?
"Các vấn đề này cần được làm rõ, nếu có chiến lược, UBND cấp tỉnh đưa ra hướng dẫn thì phải có bảo hộ, tức là khi có vấn đề thì nhà nước phải mua sản phẩm trồng trọt đó cho dân, còn tiêu thụ thế nào tính sau", ông Bình nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng để phát triển trồng trọt thì điều quan trọng nhất là trách nhiệm quản lý nhà nước. Theo ông, dự thảo nêu 7 nguyên tắc hoạt động trồng trọt, trong đó quan trọng nhất là "trồng trọt phải tuân thủ quy định, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt".
"Vậy nếu trồng trọt theo quy hoạch mà gặp rủi ro thì ai chịu? Người quy hoạch phải chịu trách nhiệm như thế nào? Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo quyền lợi cho người dân", ông Giàu nói và đề nghị ban soạn thảo đặt ra nguyên tắc bảo hộ trong dự luật.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, khi đọc tài liệu dự án luật, bà thấy có góp ý của Bộ Công thương ngày 6/12/2017 đề nghị cân bằng trách nhiệm của các tổ chức khi nông dân trồng trọt gặp rủi ro. Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất thì quy định về trách nhiệm, giải pháp hỗ trợ nông dân đã không còn nữa. "Đề nghị Bộ Nông nghiệp giải thích", bà nói.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ, ngoài trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp thì các Bộ khác có vai trò như thế nào, nhất là Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường.
"Ta vẫn nói từ đồng ruộng đến bàn ăn có 5 Bộ thì ở đây không thể chỉ riêng trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp được", bà Nga nhấn mạnh.
Còn "giải cứu" thì dân còn khổ
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược về quy hoạch, thị trường đầu ra cho các sản phẩm của nông dân.
"Vấn đề cần giải quyết là thị trường, là dự báo để đầu ra ổn định. Nông dân đang tự phát, chạy theo nên mới có chuyện tự nhiên cà phê, cao su, xoài... bị chặt hết. Đầu ra không ổn định thì đời sống người dân rất vất vả, bấp bênh", ông nói.
Phó chủ tịch Quốc hội kể, khi lên Sơn La, ông thấy lãnh đạo tỉnh này đã làm rất bài bản việc liên hệ trực tiếp với thị trường nước ngoài, thoả thuận mỗi năm thu mua bao nhiêu. Vì vậy, một số loại cây như nhãn, chanh leo... được trồng tại các hợp tác xã, đầu ra ổn định, nhân dân rất phấn khởi.
"Năm nào được mùa cũng mất giá, năm nào cũng giải cứu, lúc khoai tây, lúc thì su hào, lợn, gà... Phải làm sao sớm chấm dứt tình trạng này để dân đỡ khổ", ông Tỵ trăn trở.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc lại cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân vừa qua và cho biết rất tâm đắc với câu nói của người đứng đầu Chính phủ, rằng cần sự phối hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối để phát triển nông nghiệp.
Dự án luật Trồng trọt dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 20/5.