Ngày 23/8, Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2015.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, đa số nạn nhân mua bán người ở Việt Nam bị đưa sang Trung Quốc (chiếm 75%); các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để mua bán người là nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, để thuê, hiến tạng...
“Một số nơi đối tượng tìm đến phiên chợ vùng cao, cổng trường học, làm quen với phụ nữ, học sinh xin số điện thoại, kết bạn qua Zalo, Facebook giả vờ yêu đương rủ đi du lịch, lừa các em gái đưa vào nhà hàng, quán karaoke, massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp để tổ chức mại dâm hoặc cưỡng bức lao động”, ông Pha nêu thực trạng.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Tư pháp, ở vùng biên, nhiều kẻ tinh vi hơn khi mặc trang phục bộ đội biên phòng, công an Việt Nam, Trung Quốc để lừa kiểm tra giấy tờ phụ nữ, trẻ em gái rồi cưỡng ép hoặc bắt cóc.
Thậm chí, nhiều người ban đầu là nạn nhân nhưng sau đó tham gia đường dây mua bán, dụ dỗ người khác.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an thông tin, trong năm 5 gần đây, các địa phương tiếp nhận hơn 1.000 tin báo tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hơn 1.000 vụ, 2.000 bị can. Hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán. Trong đó trên 2.500 nạn nhân đã trở về (1.334 người được giải cứu; 1237 người tự trở về). Hiện còn trên 500 người chưa trở về.
Theo ông, đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít kỹ năng hoặc các cô gái trẻ muốn lấy chồng nước ngoài giàu có. Các nạn nhân phụ nữ sau đó bị cưỡng ép kết hôn với người bản địa hoặc bị bóc lột tình dục.
“Số người chưa trở về chủ yếu đang ở Trung Quốc, nhưng không rõ địa chỉ. Chúng ta không thể đưa lực lượng sang giải cứu”, ông Vương trả lời các chất vấn tại phiên họp.
Với câu hỏi về thực trạng mua bán nội tạng, Thứ trưởng Công an nói hiện cơ quan chức năng chưa thụ lý vụ án nào, “nhưng hình thức mua bán nội tạng có xảy ra, chủ yếu là tự nguyện”.
Bà Mai Thị Phương Hoa, Thường trực Uỷ ban Tư pháp chia sẻ thêm khó khăn, hiện pháp luật giữa Việt Nam và Trung Quốc vênh nhau, khi Trung Quốc chỉ coi các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy nội tạng mới là mua bán người. Hành vi giao người, nhận tiền thông qua việc cưới không được coi là mua bán người.
Bà đề nghị tăng mức hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về bởi quy định số tiền ăn 30.000 mỗi người/ngày đã rất lạc hậu.
“Chúng tôi đau lòng khi thấy có nơi người được giải cứu về chỉ được ở trung tâm bảo trợ xã hội mấy ngày. Tiền ăn mỗi ngày thua tiền ăn tù nhân trong trại giam. Tiền thuốc chỉ đủ mua mấy viên cảm cúm thông thường. Mức ăn như vậy chỉ đủ cầm hơi thoi thóp chứ không phù hợp với người vừa băng rừng vượt núi trở về, đang đói rét, suy kiệt”, bà Hoa nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương tiếp lời, sự khác nhau giữa pháp luật hai nước dẫn đến có vụ việc Việt Nam xác định là mua bán người, nhưng Trung Quốc lại cho rằng hợp pháp.
“Tổng kinh phí mỗi năm Trung ương dành cho việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán chỉ khoảng 8 tỉ đồng”, ông Vương cho hay.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người.
Đối với những vụ mua bán người tuy chưa giải cứu được nạn nhân nhưng đã rõ đối tượng phạm tội, có đủ chứng cứ, một số ý kiến đề nghị các cơ quan tố tụng có văn bản hướng dẫn địa phương tiến hành xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm.