Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải vào chiều 2/3, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Bộ cho chủ trương nghiên cứu mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng về phía tây, đầu tư tuyến giao thông, mở cổng ra vào ở phía tây. Việc này được cho rằng để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và hạn chế phương tiện vào khu vực trung tâm.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, ngày 14/2, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển các cảng hàng không, trong đó có Đà Nẵng. Khách du lịch đến Đà Nẵng đang tăng 38 đến 40%/năm, theo dự tính, đến năm 2020 sân bay quốc tế Đà Nẵng đón 13 triệu lượt khách, năm 2030 là 28 triệu. Nhà ga hiện tại không đáp ứng được yêu cầu song việc nâng công suất sân bay là có thể và được phép trong quy hoạch.
Đồng tình với kiến nghị của Đà Nẵng, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho hay quy hoạch như hiện nay chỉ 1-2 năm đã phải làm lại. "Nếu thiết kế định hướng đến 30 triệu hành khách thì cần quy hoạch đường băng 1, đường băng 2 nằm ở đâu. Ga hàng hóa cũng phải tính toán vị trí để theo hệ thống liên hoàn", ông Thể nói.
"Vì hàng không Việt Nam phát triển nhanh nên tầm nhìn hạn chế", ông Thể nói và giao nhiệm vụ cho Cục hàng không phối hợp thành phố Đà Nẵng nghiên cứu trước, điều kiện chín mùi thì trình Chính phủ để triển khai mở rộng nhà ga khi cần thiết.
Cuộc họp cũng thảo luận nhiều dự án trọng điểm của Đà Nẵng, trong đó tập trung vào mở rộng cảng Liên Chiểu, hoàn trả kinh phí đường ĐT 601, bố trí kinh phí hoàn trả đường gom ngã ba Huế... và câu chuyện di dời ga đường sắt đã đặt ra suốt 15 năm qua nhưng chưa thực hiện được.
Ông Thể cho biết suất thời gian dài không di dời được ga đường sắt vì không có tiền. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông đã họp và dự kiến trong tháng 10 sẽ báo cáo Chính phủ, sang năm 2019 trình Quốc hội. Trước mắt ưu tiên làm đường sắt bắc - nam, sau đó mới đến ga Đà Nẵng.
Bộ trưởng cho biết sáng nay đã đi kiểm tra tiến độ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Công trình được đáng giá là hết sức quan trọng của miền Trung và cả nước nhưng đang chậm tiến độ. "Tôi đã yêu cầu bằng mọi giá trong tháng 6 phải thông tuyến, đảm bảo cho việc phát triển khu vực", ông nói.
Dán tem xe toàn quốc để thu phí tự động tại BOT
Bộ trưởng Giao thông đề nghị địa phương hỗ trợ việc thu phí tự động không dừng. Đến cuối năm nay, trạm BOT nào không thu phí tự động sẽ bị dừng hoạt động, lỗ lãi nhà đầu tư chịu trách nhiệm. Bộ đang đẩy mạnh lắp đặt thiết bị để thu phí tự động không ngừng.
"Muốn thu phí không dừng hiệu quả phải dán tem tất cả các xe. Tôi đang chỉ đạo các đơn vị liên quan vận động và phối hợp với gara, nhà sản xuất để xe bán ra phải có tem toàn bộ. Người sử dụng nạp tiền là qua trạm, mỗi chiều sẽ có một làn trạm BOT thu tự động", Bộ trưởng Thể nói.
Theo lộ trình, năm 2018 việc thu phí sẽ thu phí tự động trên tuyến quốc lộ 1A, một năm sau triển khai trên toàn quốc.