Sáng 15/5, Đà Nẵng tổ chức chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri". Nhiều vấn đề nóng của thành phố như ô nhiễm từ nhà máy ở khu công nghiệp, khu dân cư bị chia cắt với không gian công cộng do resort bịt lối xuống biển, chung cư xã hội không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy,... đã được cử tri đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, qua rà soát các dự án ven biển để điều chỉnh quy hoạch mở lối xuống biển cho dân, chính quyền thành phố phát hiện hai dự án đã giao đất trước đây có vấn đề về pháp lý khi "giao cho những chủ dự án không có thật".
"Trước đây giao đất sai. Giống như một quyết định giao đất "ma". Ví dụ ra quyết định giao đất cho anh A nhưng trên thực tế không hề tồn tại anh A đó", ông Thơ nói và cho biết sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố cho ý kiến thu hồi lại đất từ hai dự án này.
Ngày 14/5, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã trao đổi với Thanh tra Chính phủ về sự việc trên và nhận được ý kiến phản hồi "không chờ đợi kết quả điều tra, thanh tra mà thành phố có thể thu hồi sớm, do việc giao đất không đúng đối tượng".
Theo ông Thơ, thực hiện việc thu hồi đất từ hai dự án "ma", thành phố sẽ có ngay một số hecta ven biển ngay, "sau này nếu anh nào có cái tên đó đến đòi thì chính quyền sẽ giải quyết, bồi thường lại theo giá đất trước đây".
Cùng với việc nghiên cứu khả năng mở lối xuống biển cho người dân từ hai dự án "ma", Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh tiến độ mở lối xuống biển khác ở một số khu vực giáp ranh các dự án resort.
"Chúng tôi không chỉ đơn thuần mở lối xuống biển mà muốn mở mặt tiền biển để phát triển các khu đô thị cũng như kinh tế, dịch vụ", ông Thơ cho biết.
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng thông tin thêm, trong tháng 9, thành phố sẽ làm lối xuống biển cạnh Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana; riêng lối xuống biển ở đoạn cuối đường Hồ Xuân Hương giao với Võ Nguyên Giáp thì Đà Nẵng đang chờ các bên liên quan báo cáo, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích công cộng và doanh nghiệp.
Thành phố sẽ xây công viên trên bãi rác
Nhiều cử tri cho biết khu công nghiệp Liên Chiểu đang tập trung quá nhiều nhà máy xi măng, cao su, sản xuất giấy,... gây ô nhiễm. Tại quận này, bãi rác Khánh Sơn - nơi tập trung xử lý rác cho cả thành phố, cũng gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước và không khí; nước rỉ thải đổ xuống kênh Phú Lộc chảy ra biển ở khu vực đường Nguyễn Tất Thành.
Ông Vũ Quang Hùng giải trình, khu công nghiệp Liên Chiểu trong quá trình xây dựng trước đây chưa tính toán được mật độ dân cư, do đó đã nảy sinh vấn đề môi trường.
Tham gia trả lời cử tri, ông Huỳnh Đức Thơ nói thời gian tới thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch, không cho bố trí thêm nhà máy tại khu công nghiệp Liên Chiểu và trồng cây xanh ở các khu vực đất trống.
Về bãi rác Khánh Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Nam cho hay tại đây ô nhiễm là do nước rỉ thải, hệ thống xử lý xây dựng trước đây đã xuống cấp. Trong năm nay, hệ thống mới xử lý mới đưa vào hoạt động sẽ giảm thiểu được lượng nước thải này.
Ông Nam nói thành phố đã có kế hoạch di dời bãi rác và xây dựng công viên bên trên khu vực chôn lấp rác hiện tại. Nghị quyết HĐND thành phố nêu đóng cửa bãi rác trong năm 2019, nhưng thực tế phải đến năm 2022, vì khi đó mới xây dựng xong khu liên hiệp xử lý chất thải rắn.
"Trước mắt thành phố sẽ nâng chiều cao các hộc chôn lấp, đồng thời sử dụng 5ha đất dự phòng bên cạnh để chôn lấp rác thải", ông Nam nói.
Hàng loạt nhà ở xã hội không đảm bảo PCCC
Trả lời câu hỏi của cử tri có bao nhiêu khu chung cư nhà ở xã hội không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đại tá Trần Đình Chung - Giám đốc Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cho biết qua đợt kiểm tra vừa qua, có 36/56 chung cư nhà ở xã hội vi phạm về PCCC, trong đó 10 chung cư không đảm bảo an toàn phòng cháy, 12 chung cư không có đội PCCC...
Từ năm 2011 đến nay, thành phố xảy ra sáu vụ cháy nhà chung cư, trong đó năm vụ liên quan đến nhà ở xã hội, một vụ tại chung cư cao cấp.
Theo đại tá Chung, nhiều chủ đầu tư chưa chủ động trong công tác PCCC, thậm chí một số chủ đầu tư còn cắt giảm hệ thống chữa cháy do kinh phí cao. "Khi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất thì các chủ đầu tư chấp nhận nộp phạt. Mức phạt cao nhất là 80 triệu đồng, còn thông thường chỉ 10 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe", đại tá Chung nói.