Ngày 26/3, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã làm việc với UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) để thông báo kết luận của lãnh đạo chính quyền thành phố đối với hoạt động hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý.
Theo đó, lãnh đạo Đà Nẵng cho phép hai nhà máy thép sản xuất trở lại từ hôm nay (26/3), để xử lý những tồn tại liên quan của doanh nghiệp và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh khi dừng hoạt động theo quy định pháp luật.
Chính quyền thành phố yêu cầu, trong thời gian hoạt động trở lại, hai nhà máy không được mở rộng sản xuất, không giao kết hợp đồng mua nguyên vật liệu là phế liệu để sản xuất thép.
Sở Tài nguyên Môi trường thành phố được giao giám sát môi trường tại hai nhà máy thép. Sở Nông nghiệp tìm giải pháp sớm ổn định sản xuất nông nghiệp của cư dân trong vùng.
Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, trong vòng 6 tháng tới, Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố có phương án dừng hoạt động sản xuất thép của hai nhà máy và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trình HĐND thành phố thông qua.
Ngày 2/3, sau nhiều lần đối thoại với người dân vùng ô nhiễm do hai nhà máy thép gây ra, UBND TP Đà Nẵng có kết luận về việc dừng hoạt động hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana Úc.
Trong cuộc đối thoại sau đó giữa chính quyền thành phố với người dân và doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng việc Đà Nẵng ra quyết định bất ngờ khiến doanh nghiệp lao đao, các hợp đồng đã ký bị ngưng trệ và hơn 1.500 lao động mất việc làm.
Hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc xây dựng tại huyện Hòa Vang hơn 10 năm nay. Khoảng 6 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên sống gần nhà máy bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn đã nhiều lần dựng lán trại bao vây trước cổng hai nhà máy để phản đối.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, nhà máy thép Dana Ý có diện tích 170.000 m2, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, trên 1.000 lao động và sản lượng 400.000 tấn/năm. Còn Dana Úc có vốn đầu tư ban đầu 500 tỷ đồng, quy mô 50.000 m2, hằng năm cho ra đời 300.000 tấn sản phẩm thép xây dựng các loại và khoảng 300.000 tấn phôi.