Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tổ đại biểu số 1 - Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM - ngày 1/12, cán bộ lão thành Hồ Quang Chính (ngụ quận 3) đánh giá, thời gian qua các cấp có nhiều cố gắng mang lại hiệu quả thiết thực và tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
"Tôi cũng tán thành hoạt động của Quốc hội vì dân chủ, công khai, minh bạch hơn và ra được các Nghị quyết rất tốt. Những điều này đã lấy lại lòng tin của nhân dân", ông Chính nói.
Tuy nhiên ông cũng gửi gắm, mong lãnh đạo Trung ương, Chính phủ nêu gương tốt về cần, kiệm, liêm, chính và cần tiếp tục làm mạnh, kiên quyết hơn về phòng chống tham nhũng.
"Các đồng chí nhớ rằng có hơn 90 triệu dân đang đứng đằng sau. Tôi tán thành tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng phải tìm người đốt lò như thế nào để củi khô, củi tươi cũng cháy nhanh được", ông Chính nhấn mạnh.
Bà Phan Thị Bích (ngụ quận 4) nêu thắc mắc một số vụ tham nhũng gần đây chưa được giải quyết thỏa đáng, gây bức xúc trong nhân dân như vụ ông Phạm Sỹ Quý (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) vi phạm kê khai tài sản. "Phòng chống tham nhũng nói là không có vùng cấm nhưng có hay không vẫn còn vùng nể, vùng tránh?", bà đặt vấn đề.
Nữ cử tri cũng cho rằng khâu thu hồi tài sản tham nhũng đang còn yếu. Bà đề nghị xử lý mạnh hơn, thu hồi 100% tài sản, kể cả tịch thu những tài sản mà người bị kết tội tham nhũng không lý giải rõ nguồn gốc; cắt lương hưu và trợ cấp của những cán bộ đã về hưu trước đó sai phạm...
Ông Nguyễn Hữu Châu (quận 3) tán thành các Nghị quyết, kế hoạch của Trung ương và Chính phủ nhằm tinh gọn bộ máy để tập trung tiền thuế của dân cho đầu tư phát triển.
"Việc giải thể ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vì gây lãng phí đã được đông đảo người dân đồng tình. Có lãnh đạo ở TP HCM làm trưởng hàng chục ban chỉ đạo nhưng không thể nhớ hết, có lãnh đạo trung ương là trưởng hàng trăm ban chỉ đạo. Không ít ban chỉ đạo có chức năng nhiệm vụ chồng chéo, khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm", ông Châu nêu ý kiến và đề nghị rà soát, sớm giải thể ban chỉ đạo tại TP HCM và trên cả nước.
Chia sẻ với ý kiến các cử tri, Chủ tịch nước cho biết đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đạt một số kết quả tích cực, củng cố lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì chưa đạt được mong muốn, cần phải chuyển biến đồng bộ, đấu tranh với bọn tội phạm tham nhũng lớn, kể cả tham nhũng vặt làm nhức nhối trong nhân dân".
Ông Trần Đại Quang cũng thông tin, các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý 23 vụ, xong sẽ tiếp tục xử các vụ khác. "Cuộc đấu tranh với giặc nội xâm này phải kiên trì, bền bỉ vì nó len lỏi trong nội bộ", ông Quang nói và cho rằng sẽ ưu tiên thu hồi tài sản bởi "chỉ xử lý bỏ tù thì thắng lợi không trọn vẹn".
Chủ tịch nước nhìn nhận việc tinh gọn bộ máy còn khiêm tốn, vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả. Quốc hội đã ra Nghị quyết giám sát chuyên đề về cải cách bộ máy hành chính, Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động, nhưng đây là vấn đề khó không thể nôn nóng mà phải làm bài bản, dân chủ, thận trọng.
Tuyết Nguyễn