Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Quốc phòng; Luật Cạnh tranh; Luật Tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thế dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Thông tin về Luật An ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết Luật gồm 7 chương, 43 điều, trong đó chương III của Luật quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể như, phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phòng chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng.
Luật cũng quy định về phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, phòng chống tấn công mạng; phòng chống khủng bố mạng, chiến tranh mạng…
"Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng", ông Hoàng Phước Thuận nói.
Theo ông Thuận, thời gian qua dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích thu lợi nhuận, thậm chí bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật. Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý những vấn đề này.
Cục trưởng An ninh mạng khẳng định Luật này không hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân; mọi hoạt động của người dân nếu không vi phạm vào các điều cấm theo quy định pháp luật thì đều được nhà nước bảo hộ.
"Hiện ban soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng các nghị định, quyết định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật", ông Thuận nói.
Về Luật Tố cáo, theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Luật tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp nhằm xác định rõ trách nhiệm và tránh lợi dụng để tố cáo tràn lan, sai sự thật.
Luật dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, người được bảo vệ gồm người tố cáo, vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ là bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản và nhân phẩm.
Giới thiệu Luật Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết Luật đã quy định về công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng và phát triển lĩnh vực này trong một chỉnh thể thống nhất, không tách rời nhau, do nhà nước quản lý, điều hành.
Luật cũng bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.
Ngày 12/6, Luật An ninh mạng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86.86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết. |