Sáng 3/7, tại hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, một số đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề tuyển dụng, đào tạo và chất lượng cán bộ.
Nêu thực tế bộ máy của đơn vị, ông Tô Quang Phán - Tổng giám đốc đài PTTH Hà Nội cho hay, đài hiện có số cán bộ, nhân viên lớn nhất trong số các đài địa phương với 719 người, trong đó hơn 500 biên chế, 200 hợp đồng.
Theo ông Phán, trong 500 cán bộ biên chế có gần 140 người là cán bộ chủ chốt. "Chưa có cơ quan truyền thông nào cán bộ chủ chốt nhiều như thế. Trong khi đó, hơn 700 người làm tại đài chỉ có khoảng 60% cán bộ đủ năng lực", ông Phán nói và cho hay, khi cử người đi công tác cùng lãnh đạo thành phố, lãnh đạo đài Hà Nội không dám cử ai trong số 40% cán bộ yếu kém.
Ông cho hay, 40% số cán bộ yếu kém đó "không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ Trung ương trở xuống thành phố”. Ngoài ra, họ không vi phạm kỷ luật dù làm việc thì làng nhàng, "cứ đi ra đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”.
Ông Tô Quang Phán phát biểu tại Hội nghị
Tiếp tục nêu lý do khó loại nhân viên yếu kém, ông Phán nêu câu hỏi trong hội trường "ở đây có ai trong Ban khen thưởng thi đua thành phố không" và nhìn quanh. Tuy nhiên, không có ai trong hội trường xác nhận là người của Ban thi đua. Ông Phán cho biết, với thực tế như trên nhưng khi bình bầu cuối năm, tỷ lệ cán bộ đạt danh hiệu tiên tiến, chiến sĩ thi đua rất cao, "ai cũng hoàn thành nhiệm vụ".
Những tồn tại trên được ông Phán nêu lý do "lịch sử để lại". Cụ thể, khâu tuyển chọn đầu vào trước đây thấp, nhiều người vào đài làm việc, đào tạo 2 năm không làm được việc; có những người học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được gì.
“Có bằng thạc sĩ nhưng không làm gì cả, chả có chương trình nào để lại ấn tượng; 3 bằng đại học, rồi cả thạc sĩ, tiến sĩ cũng không làm gì. Tôi thấy ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng nhưng không biết làm gì cả”, ông Phán nêu.
Từ thực tế trên, ông Phán cho rằng Hà Nội cần đặc biệt chú ý đến khâu tuyển dụng đầu vào. Ông đề nghị, Thành ủy tăng cường hơn nữa công tác đánh giá cán bộ để tránh tình trạng một số người có năng lực “làng nhàng” vẫn vào làm việc trong bộ máy hành chính.
Được lãnh đạo Thành uỷ chỉ định chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cán bộ, Bí thư Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho biết, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, quận cũng rất quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng cán bộ, công chức làm việc ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo ông, thành phố cần đổi mới trong công tác đào tạo, quy định tiêu chí đi học của cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm, khung năng lực.
" Cán bộ, công chức đi học về để phục vụ chính việc đang làm chứ không phải đi học để lấy bằng hay làm cho lý lịch của mình hoành tráng hơn. Như vậy không giải quyết được vấn đề gì", ông Hải nói.
Võ Hải