UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh phòng bệnh dại; tuyên truyền để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Trước động thái này, nhà văn, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nói ăn thịt chó là thói quen lâu năm của người dân; từ trước khi người Pháp chiếm Hà Nội thì đã trở thành "chuyện thường ngày", và đến những năm 1880, chợ Cửa Đông đã nổi tiếng với việc bày bán nhiều thịt chó, chủ yếu được vận chuyển từ nơi khác đến.
"Theo nghiên cứu của tôi, từ năm 1888, đã có thời gian người Pháp ban hành lệnh cấm ăn thịt chó, bởi theo quan niệm châu Âu, chó là con vật rất đáng yêu", ông Tiến nói và thông tin thêm, thời đó, cảnh sát phát hiện ai vi phạm thì sẽ phạt. Nhưng nhiều người vẫn ăn thịt chó và đã xảy ra vụ cháy lớn ở nội thành chỉ vì thui chó trộm.
Năm 1936, lệnh cấm ăn thịt chó mới được người Pháp bãi bỏ. Những quán thịt chó công khai bắt đầu xuất hiện ở phố Mã Mây, Hàng Lược...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, "những người thích ăn thịt chó chủ yếu từ nông thôn ra Hà Nội. Họ coi đây là món khoái khẩu. Còn nhiều người ở thành thị, vì chịu ảnh hưởng văn minh Pháp nên ít ăn hoặc không ăn".
Theo ông, việc ăn thịt chó bùng phát từ khoảng năm 1973, khi các quán bia hơi mọc lên. Nhiều người mang thịt chó chặt từ Diễn, Nhổn, Phùng... vào nội thành bán cho các quán bia. Thịt chó trở thành món nhậu không thể thiếu. Chợ Âm phủ (19/12) ở Hà Nội thời đó nổi tiếng bán thịt chó sống.
"Ủng hộ lời kêu gọi không ăn thịt chó"
Từ năm 1990, phong trào ăn thịt chó ở Hà Nội lên cao điểm khi “hợp tác xã” thịt chó Nhật Tân ra đời với 50 quán trải dọc tuyến đường.
“Tôi ủng hộ quan điểm văn minh không ăn thịt chó. Không chỉ vì nước ngoài nhìn vào, mà quả thực chó là con vật đáng yêu, quấn quýt với người nuôi, nếu giết thịt thì rất tội”, ông Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ và cho rằng khuyến nghị người dân không giết, ăn thịt chó là phù hợp xu thế.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng nhiều người Việt Nam vẫn coi thịt chó là món ăn yêu thích, nên lời kêu gọi của TP Hà Nội muốn có tính khả thi thì cần được tuyên truyền tích cực hơn trong nhân dân.
Hoạ sĩ Lê Thiết cương, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhớ lại, thành phố từng có nhiều nơi bán thịt chó nổi tiếng, ví dụ các nhà hàng trên đường Âu Cơ. Nhưng theo thời gian cuộc sống thay đổi, bây giờ các cửa hàng thịt chó ở Âu Cơ, Nhật Tân..., không còn như trước.
“Lâu nay không có quy định cấm, nhưng cuộc sống thay đổi nên nhiều người cũng thay đổi thói quen ăn thịt chó”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói và nêu quan điểm ủng hộ lời kêu gọi của TP Hà Nội.
Ông cho rằng, dù người dân chưa thể bỏ thói quen ăn thịt chó ngay, nhưng “trong các con vật, chỉ số thông minh của chó là cao nhất và gần gũi với con người nhất, đây là điều đáng suy nghĩ”.
"Thịt chó là văn hoá ẩm thực của Việt Nam"
Ghi nhận nỗ lực của TP Hà Nội nhưng nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng, việc kêu gọi người dân bỏ thói quen ăn thịt chó không khả thi. Bởi với nhiều người Việt Nam, thịt chó đã thành văn hoá ẩm thực.
“Tôi không cổ suý ăn thịt chó nhưng khuyến cáo của Hà Nội không dễ đi vào cuộc sống, bởi dân chúng rất khó bỏ món khoái khẩu ấy”, ông Bình nói.
Ông Bình phân tích, việc ăn thịt chó cần được nhìn nhận là văn hoá chứ không phải là sự văn minh để so sánh với các nước phương Tây. Vì vậy, không cần phải chứng tỏ Việt Nam phải theo xu hướng thế giới hiện đại là không ăn thịt chó, mèo.
“Người Lào, Thái Lan... không ăn thịt chó không phải bởi họ văn minh hơn chúng ta mà do khác biệt về văn hoá”, ông Bình nêu quan điểm.
Chuyên gia xã hội học dẫn chứng thêm, Úc coi Kangaroo là biểu tượng của đất nước nhưng nhiều người vẫn ăn thịt con vật này. Khi tổ chức World cup, người Hàn Quốc bị chỉ trích rất nhiều về việc ăn thịt chó, nhưng họ vẫn bảo vệ và không từ bỏ.
“Chỉ nên khuyến cáo người dân, cơ sở kinh doanh không giết thịt chó, mèo một cách dã man, tàn bạo, có nhiều người chứng kiến..., chứ không nên khuyến cáo bỏ thói quen ăn thịt chó. Khi được chế biến hợp vệ sinh thì nó vẫn nên được coi là món ăn”, ông Trịnh Hoà Bình chia sẻ.
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hoá dân gian Việt Nam đồng quan điểm với ông Bình: “Mỗi nơi có một phong tục khác nhau. Thịt chó là phong tục của Việt Nam. Cần phân biệt tình cảm giữa chó, mèo nuôi ở nhà với chó, mèo nuôi để lấy thịt”.
Ngày 10/9, UBND TP Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại. Ngoài ra, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, tả, xoắn khuẩn...
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 500.000 con chó, mèo. Trong đó trên 87% nuôi với mục đích giữ nhà, còn lại nuôi làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm.