Ngày 15/12, Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải. Di tích vừa được 25/27 thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia đồng ý trình Thủ tướng phê duyệt công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Thành Điện Hải được vua Gia Long cho xây dựng sát vịnh cửa sông Hàn từ năm 1813. Đến năm 1823, vua Minh Mạng mới cho dời vào vị trí hiện tại bên bờ sông Hàn, xây dựng thành một pháo đài kiên cố. Chu vi thành, theo Đại Nam nhất thống chí là 589,36m, tường thành cao hơn 5m, hào sâu gần 3m.
Nhiều tài liệu và các bài tham luận của nhà khoa học tại hội thảo đều cho rằng thành Điện Hải được xây theo kiểu thành Vauban (kiểu thành quân sự châu Âu thời Trung cổ) do kỹ sư người Pháp Oliver Puymanel thiết kế. Ông này được giới thiệu là kỹ sư quân sự, từng mang cấp bậc Nguyên soái của nước Pháp và đã cho xây dựng nhiều thành lũy quân sự.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (Đà Nẵng) cho rằng, trên thế giới còn rất nhiều công trình được xây dựng theo kiểu Vauban. Do đó bàn thảo cách tôn tạo thành Điện Hải thì cần đến trực tiếp những nơi này để tham khảo về cách phục dựng, hay khai thác du lịch.
Phản biện ý kiến này, TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, khẳng định thành Điện Hải không phải người Pháp thiết kế, tác giả công trình chính là vua Gia Long.
Theo ông Hải, kiểu thành Vauban phải là hình đa giác, tức là ít nhất phải có 5 cạnh trở lên. Trong khi thành Điện Hải hình tứ giác. "Thành Điện Hải thực chất là sự pha tạp, biến thể giữa thành tứ giác truyền thống nhưng vận dụng xây các pháo đài lồi theo kiểu Vauban. Đây là công trình do vua Gia Long tự học hỏi, sáng tạo và xây dựng. Kinh thành Huế cũng tương tự như thế", ông Hải nói.
TS Hải cho biết, Puymanel thực chất không phải kiến trúc sư. Ông tham gia vào đội quân lính đánh thuê và không tham gia thiết kế hay xây dựng thành trì. Puymanel chỉ phục vụ dưới trướng Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long) một thời gian ngắn và cũng qua đời rất sớm (năm 1799), khi mới 31 tuổi, trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế (1802).
"Puymanel qua đời trước cả khi nhà Nguyễn xây dựng kinh thành Huế. Do đó không có chân lý nào để chứng tỏ thành Điện Hải hay thành trì của Việt Nam do người Pháp thiết kế. Puymanel được một số học giả nổi tiếng của Pháp dựng lên để kể công lao của người Pháp trong việc xây dựng công trình ở Việt Nam", ông Hải nói.
Nhiều nhà khoa học tham gia hội thảo đã đồng tình với lập luận của TS Phan Thanh Hải.
Nên phục dựng trình chiếu 3D
Điện Hải là tòa thành quân sự quan trọng nhất trong cả hệ thống thành/đồn bảo vệ cảng Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858, thành Điện Hải là tiền đồn của quân đội triều đình nhà Nguyễn nổ súng thần công chống lại giặc ngoại xâm.
Sau gần 200 năm, thành còn lại kết cấu tường thành, hào bao bọc khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc bên trong hầu hết đã bị xóa sổ hoàn toàn do chiến tranh và sự cải tạo của chủ nhân sử dụng. Khi Pháp đô hộ Việt Nam, một bệnh viện quân sự và một nhà nguyện được xây dựng. Sau năm 1975, xí nghiệp Dược Quảng Nam - Đà Nẵng và sau này là Bảo tàng Đà Nẵng cũng được xây trong khu vực di tích này. 77 hộ dân đã lấn chiếm, dựng nhà trên đất di tích.
Mới đây, chính quyền Đà Nẵng đã giải tỏa toàn bộ hộ dân lấn chiếm đất di tích, bố trí tái định cư ở khu đất 5.000m2 ngay trung tâm thành phố. Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định trưng dụng trụ sở HĐND TP Đà Nẵng (số 42 Bạch Đằng) để di dời Bảo tàng ra khỏi thành Điện Hải (giai đoạn 2019-2021).
Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng, cho biết sau khi dời bảo tàng, thành phố sẽ tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành, gồm những công trình đã có như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ hy sinh.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, thiết kế nguyên thủy của thành Điện Hải không còn nên việc phục dựng rất khó. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, cho rằng Điện Hải là công trình phòng thủ quân sự thì nên ưu tiên phục dựng kỳ đài và sở chỉ huy. Các công trình khác sau khi xác định rõ vị trí từng hạng mục, chỉ cần dựng một tấm bia ghi dấu.
TS Phan Thanh Hải hiến kế, Đà Nẵng nên xây dựng một trung tâm diễn giải lịch sử ngay trong thành Điện Hải, sử dụng các giải pháp công nghệ hiện đại kết hợp giữa phim 3D, 4D với hình ảnh, bản vẽ, lời giới thiệu, các hiệu ứng về âm thanh, sánh sáng để có thể thuyết minh một cách đầy đủ, sinh động cho du khách hiểu về lịch sử và hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cho rằng sử dụng giải pháp công nghệ 3D với di tích thành Điện Hải là ý tưởng rất tốt. "Chiếu phim 3D, 4D sẽ giúp người xem thích thú hơn. Chứ cứ nói đến trấn, thành, đồn là những khái niệm mang tính mơ hồ, khó hình dung", ông nói và đồng ý với việc phục dựng kỳ đài ở di tích này.