Chiều 6/12, ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong báo cáo về kinh tế - xã hội - văn hóa trên địa bàn.
Ngoài ra, ông Phong cũng được Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị trả lời cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra tình trạng trẻ mầm non bị bạo hành, giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này.
Động thái này được bà Tâm đưa ra sau khi Chủ tịch quận 12 (nơi chủ cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ) trả lời không thỏa đáng về trách nhiệm của quận.
Bạo hành trẻ xảy ra ở cơ sở tư, không phổ biến
Theo ông Phong, hàng năm thành phố chi khoảng 1.300 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục mầm non. Trong đó có việc xây nhiều trường mới, tăng đội ngũ và chất lượng giáo viên; riêng các khu chế xuất, khu công nghiệp có 600 trường.
"Tuy nhiên, một số địa phương quản lý chưa chặt, thiếu giám sát, đào tạo cho giáo viên chưa kịp thời. Tình trạng bạo hành xảy ra ở cơ sở ngoài công lập, không phổ biến nhưng gây bức xúc dư luận", ông Phong nhìn nhận.
Về phía thành phố, ông Phong cho biết đã ban hành nhiều văn bản quản lý tốt hơn, đảm bảo công bằng cho trẻ được hưởng các quyền chăm sóc, giáo dục; chỉ đạo rà soát tất cả trường mầm non ngoài công lập, kiên quyết đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, khuyến khích lắp camera.
Không thể lập tức hết ngập nước, kẹt xe
Nói về các vấn đề gây bức xúc cho người dân, ông Phong nhìn nhận những yếu kém hiện nay. TP HCM đứng vị trí trung tâm kinh tế cả nước, có sức tăng trưởng cao, quy mô dân số đang tăng nhanh, thống kê dân số 8,4 triệu người nhưng dân sinh sống thường xuyên là 13 triệu. Dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến bất cập về hạ tầng đô thị, là điểm nghẽn tác động đến giao thông, ngập nước, môi trường, an toàn thực phẩm.
"Đó là những yếu kém mà cả hệ thống chính trị đang triển khai các giải pháp, song phải có lộ trình chứ ngay lập tức không thể giải quyết hết được", ông Phong nói.
Hiện thành phố có hơn 7,5 triệu xe máy, gần 700.000 ôtô trong khi đường xá không kịp mở rộng, xây dựng thêm, dẫn đến ùn tắc là tất yếu. "Tôi nói các con số để đại biểu và người dân chia sẻ với những thách thức đang đặt ra với chính quyền thành phố. Để giải quyết đòi hỏi nguồn lực lớn, sự phối hợp để tạo những giải pháp đồng bộ, khắc phục những yếu kém", ông Phong cho biết thêm.
Theo thống kê, riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 8.500 tấn, chưa kể các loại rác thải khác. Trong khi công nghệ hiện tại chủ yếu là chôn lấp và tái chế nên nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. "Điều này ảnh hưởng đến chất lượng người dân ghê gớm, nhưng đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn mới thực hiện được", ông Phong nói.
Về các dự án làm xấu bộ mặt thành phố, ông Phong cho biết đã nhiều lần chủ trì họp với các chủ đầu tư dự án 34 Tôn Đức Thắng, dự án 8-12 Lê Duẩn (quận 1) để đẩy nhanh tiến độ. "Thật ra cũng có một số khó khăn, phải có ý kiến của cơ quan trung ương", ông Phong nhìn nhận và cho biết sắp tới sẽ làm việc với các sở ngành liên quan, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Trước đó, các đại biểu Võ Ngọc Thúy, Tăng Hữu Phong đã nêu các vấn đề về xây dựng hình ảnh mới cho thành phố để thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, xử lý các dự án dang dở ở trung tâm làm xấu hình ảnh của thành phố.
Vỉa hè bị tái chiếm, không cán bộ nào bị xử lý
Nêu câu hỏi với Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, thời gian qua chính quyền ra quân lập lại trật tự đô thị quyết liệt nhất từ trước đến nay nhưng vỉa hè vẫn bị tái chiếm. Trong các cuộc họp, ông Phong cũng nhiều lần khẳng định địa phương nào để tình trạng tái chiếm xảy ra thì xử lý nghiêm người đứng đầu.
"Tôi xin hỏi Chủ tịch UBDN TP HCM ba vấn đề. Một là, ông đánh giá lại thực trạng này, có phải thiếu một kế hoạch tổng thể trong chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè? Hai là, giải pháp gì giải quyết bền vững, tạo được sự đồng thuận của người dân? Ba là, đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào chưa, khi để vỉa hè bị tái lấn chiếm?", bà Trâm chất vấn.
"Phải hết sức kiên trì, đeo bám, không thể làm theo kiểu phong trào, chiến dịch dẫn tới tái chiếm thì không hay, ảnh hưởng chủ trương chung của thành phố", ông Phong trả lời và cho biết đã giao chủ tịch các quận huyện sắp xếp lại vỉa hè phù hợp tình hình điều kiện từng nơi và biện pháp xử lý các trường hợp tái chiếm.
"Qua báo cáo của các địa phương, tôi chưa thấy xử lý cán bộ nào để xảy ra tái chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, về tinh thần như tôi đã nêu, đối với những cán bộ không riêng lĩnh vực này, mà các lĩnh vực khác, nếu trì trệ không hoàn thành nhiệm vụ phải thay thế", ông Phong khẳng định.
Trước đó, mở đầu phần trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ và đóng góp của cử tri, người dân qua tin nhắn, thư góp ý. "Chúng tôi coi đó là những tình cảm đáng trân trọng, động viên đối với chính quyền thành phố", ông Phong nói.
Về tình hình kinh tế - xã hội, ông Phong cho biết, ngay từ đầu năm đã chủ động xây dựng kế hoạch đồng bộ, kết quả đã đạt được 16/19 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, ông Phong cũng nhìn nhận, thành phố đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ điều tiết ngân sách từ năm 2017 giảm từ 23% còn 18%, giảm thu hơn 9.000 tỷ đồng. "Nếu tính cả giai đoạn 2016-2020 giảm thu khoảng 40.000 tỷ đồng. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực đầu tư của thành phố", ông Phong nói.
Ngoài ra, việc phải tạm dừng bán, chuyển nhượng tài sản trên đất; dừng triển khai đầu tư các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) để rà soát lại; tiếp nhiều đoàn kiểm toán, kiểm tra từ trung ương ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư…
"Do đó, dù cố gắng nhiều, GRDP của thành phố thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Với trách nhiệm người đứng đầu UBND thành phố, tôi xin trân trọng tiếp thu ý kiến các đại biểu, MTTQ, bà con cử tri thành phố để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018", ông Phong nói.
Gửi kiến nghị đến kỳ họp, cử tri 24 quận huyện bày tỏ nhiều ý kiến về các vấn đề "nóng" của TP HCM như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... và đề nghị chính quyền có giải pháp khắc phục.
Phát biểu trong buổi khai mạc kỳ họp hai hôm trước, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhìn nhận các vấn đề cử tri nêu đang gây bức xúc xã hội. Cùng với đó, thành phố còn nhiều thách thức như tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, môi trường sống... đòi hỏi chính quyền cần có giải pháp mạnh hơn mới tạo đột phá.
Kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX kéo dài trong 4 ngày. Chiều qua, HĐND TP HCM đã bầu bổ sung thêm 2 ủy viên UBND thành phố là ông Huỳnh Thanh Nhân (Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao) và ông Dương Anh Đức (Sở Thông tin – Truyền thông). Trong ngày mai, HĐND sẽ thảo luận thông qua 30 tờ trình của UBND TP về: trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đối với cán bộ không chuyên trách phường - xã, thị trấn); thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất (190 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 517 ha) và các dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa... Đặc biệt là tờ trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển thành phố. |
Hữu Công - Tuyết Nguyễn