Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Đức Cường cho hay, khoảng 10 đến 12 tiếng nữa, bão Sơn Tinh (bão số 3) sẽ đổ bộ vào Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng gió mạnh nhất là Bắc Nghệ An và Thanh Hóa.
Sáng nay, tâm bão cách bờ biển Nghệ An 400 km, Hà Tĩnh 340 km, tốc độ 30-35 km mỗi giờ.
Các trung tâm khí tượng lớn của thế giới và Việt Nam cùng dự báo bão tiếp tục theo hướng Tây, mạnh cấp 8 và có khả năng giữ nguyên cấp khi khi vào bờ chiều tối nay. Do bão vào đúng thời điểm thủy triều lên sẽ tạo sóng biển cao 3-5 m, vùng ven bờ 2-4 m.
Ông Cường cho biết, bão vào nhanh nên mưa sẽ chấm dứt sớm (khoảng ngày 19/7 tại khu vực bão đổ bộ). Lượng mưa tương đối lớn, khoảng 200-300 mm, khu vực lớn nhất có thể đến 400 mm.
Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa kéo dài đến ngày 21/7, nhưng lượng mưa thấp, khoảng 100-200 mm cho cả đợt.
Có thể đóng một cửa xả hồ Hòa Bình để cắt lũ
Sáng 18/7, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Nông nghiệp, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai biện pháp ứng phó, cử ngay các đoàn đi địa phương có bão vào.
Theo ông Cường, đợt áp thấp vừa qua gây mưa diện rộng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định đã có mưa lớn và đây là nguy cơ khi bão số 3 đổ bộ.
Để ứng phó, Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh rà soát tàu thuyền trên biển, trước 12h trưa nay phải di dời, trú tránh vào khu vực an toàn; kiểm tra kỹ nơi neo đậu; di dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm...
"Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống hồ đập. Với hồ Hòa Bình, hiện lưu lượng nước vào thấp hơn đầu ra, dự báo những ngày tới lượng mưa không cao, nên có thể tính toán đóng một cửa xả đáy để cắt lũ cho vùng hạ du", Bộ trưởng Cường nói.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng Việt Nam, từ nay tới cuối năm sẽ có khoảng 8 đến 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông, trong đó 4 đến 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Về các hồ thủy điện, Bộ Công thương cho hay hiện có 4 hồ xả qua tràn: Bá Thước 2; Chi Khê; Hố Hô; Nậm Pông). Việc vận hành thực hiện theo đúng quy trình được duyệt. Tổng cục Thủy lợi cho hay, các hồ chứa khu vực miền núi phía Bắc đạt 50-70% dung tích thiết kế; riêng tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang các hồ chứa đã đạt trên 90% dung tích. Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đạt 50-65% dung tích thiết kế. Hiện các tỉnh từ Ninh Bình đến Thừa Thiên Huế có 102 hồ xung yếu, cụ thể: Ninh Bình: 6 hồ, Thanh Hóa: 24 hồ, Nghệ An: 21 hồ, Hà Tĩnh: 18 hồ, Quảng Bình: 12 hồ, Quảng Trị: 14 hồ, Thừa Thiên Huế: 7 hồ. |