Ngày 4/11, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo về dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng. Tham dự có nhiều sở ban ngành của tỉnh Quảng Bình và đại diện chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Sungroup.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, tỉnh này có hơn 300 hang động lớn nhỏ và đã đưa vào khai thác du lịch nhiều hang động. Quảng Bình được UNESCO đánh giá làm rất tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản.
Ông Nguyễn Hữu Hoài. Ảnh: Quang Hà. |
Theo vị Chủ tịch Quảng Bình, dự án cáp treo dự kiến dài 10,6 km gồm 2 chặng, xuất phát từ cửa động Phong Nha đến ga thứ nhất tại Trạ Ang dài 6.788 m, và ga thứ hai đến cửa sau động Sơn Đoòng dài 3.872 mét. Nhà ga này cách cửa động khoảng 300 mét.
Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Phong Nha-Kẻ Bàng ở độ cao 50-250 mét.
Dự án gồm 30 trụ cáp, với mỗi trụ xây dựng không quá 10 m2 đất rừng. Đồng thời, trên mỗi trụ có gắn camera có góc quay 360 độ để quan sát bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Qua 9 tháng khảo sát từ đầu năm 2014, tuyến cáp dự kiến đi qua 3 phân khu phục hồi sinh thái, hành chính và bảo vệ nghiêm ngặt. Quá trình này, Sun Group mời nhiều chuyên gia nước ngoài cùng khảo sát. Tuyến cáp được thiết kế có khả năng phục vụ 1.000 lượt khách/h.
Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Sun Group cho hay tuyến cáp được thi công bằng công nghệ cáp công vụ, vận chuyển vật liệu đi qua ngọn cây, hoặc theo các lối mòn nên không có cây chặt hạ trong thi công.
“Dự án có tổng vốn 3.000 tỷ đồng gồm nhiều tổ hợp khác như các khách sạn, sân gôn ở ngoài khu vực vườn quốc gia, sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn người, đồng thời tạo nguồn thu lớn cho tỉnh. Chúng tôi đầu tư nên hoàn toàn chắc chắn không xâm hại môi trường và di sản, bởi việc đó không khác gì tự chặt chân mình, bảo vệ di sản bằng mọi giá, đó là mục tiêu làm dự án”, ông Trường nói.
Ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đánh giá đây là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới, đưa du khách tham quan thắng cảnh Phong Nha-Kẻ Bàng trên cao, tạo trải nghiệm khác hẳn như được bay trên rừng nguyên sinh.
Với việc xây dựng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, ông Tịnh cho biết tại khu vực này không được xây dựng, trừ lối mòn và đường cáp trên không. “Quy định của Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng nên dự án này phải thực hiện đầy đủ thủ tục trước khi triển khai”, ông Tịnh nói.
Chuyên gia Peter Vogelmann, giám đốc thị trường Đông Nam Á của công ty Doppelmayr Seilbahnen GmbH (Áo), đối tác thi công cáp treo ở dự án này cho rằng với kinh nghiệm thực hiện 14.000 dự án cáp treo, nhiều công trình ở 86 vườn quốc gia thế giới và di sản được UNESCO công nhận nên đơn vị này hoàn toàn đảm bảo thi công an toàn, ít ảnh hưởng đến môi trường ở Phong Nha-Kẻ Bàng.
Tuyến cáp dự kiến xây dựng chỉ đưa khách đến cửa động Sơn Đoòng, còn việc thám hiểm bên trong vẫn chưa được tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư khảo sát để đưa ra con số, kế hoạch cụ thể.
“Trên cơ sở kinh nghiệm khai thác động Phong Nha và Thiên Đường, tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư sẽ tiếp tục làm việc, khảo sát để có phương án cụ thể đưa khách vào thăm động Sơn Đoòng”, ông Hoài khẳng định.
Dự án được đánh giá tạo việc làm hàng nghìn lao động địa phương khi chủ đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.
Tỉnh Quảng Bình cho rằng sẽ có nhiều người dân được ít nhất một lần đặt chân đến động Sơn Đoòng hơn so với phương án khai thác hiện nay, vốn rất ngặt nghèo về tài chính, sức khỏe, thời gian.
Chủ tịch Quảng Bình cho hay tỉnh này vẫn còn nghèo, trong khi Phong Nha-Kẻ Bàng như một viên ngọc nên cần sớm đưa ra khai thác, mời gọi khách du lịch để phát triển kinh tế.
Trước khi đưa dự án này vào triển khai, tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ tham khảo ý kiến các Bộ ngành trung ương và UNESCO.
Hoàng Táo - Phạm Hương