Ngày 28/6, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết đã hoàn thành dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ; chờ trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp vào ngày 9/7.
Những người đủ điều kiện để được hưởng hỗ trợ của thành phố có tuổi đời trên 55 với nam hoặc trên 50 với nữ; đảm bảo một trong hai điều kiện: đang giữ chức vụ, có nguyện vọng thôi việc và được đồng ý; có nguyện vọng thôi việc và dự kiến được nhân sự thay thế.
Ngoài các mức hỗ trợ được hưởng một lần theo quy định tại Nghị định 46 của Chính phủ, người thôi việc còn đủ một năm công tác trở lên sẽ được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng với cán bộ là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,05 trở lên.
Cán bộ là Thành ủy viên; người đứng đầu các hội đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy, các sở, ban, ngành, bí thư quận, huyện ủy và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng.
Cấp phó của người đứng đầu Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố và các hội đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và tương đương, các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên được hỗ trợ thêm 140 triệu đồng.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ủy viên Ban thường vụ quận, huyện ủy; Phó chủ tịch HĐND, UBND quận, huyện và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,6 trở lên được hỗ trợ thêm 120 triệu đồng.
Trưởng phòng và tương đương có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,3 trở lên được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.
Trường hợp cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng được giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế không được hưởng chính sách này.
Nếu được HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Cuối năm 2017, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã phát hơn 300 phiếu khảo sát, lấy ý kiến để xây dựng chính sách đối với cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, nhằm thực hiện Đề án tiến cử lãnh đạo dưới 35 tuổi đã được Thành ủy Đà Nẵng thông qua.
Thành phố cũng đang dư dôi hàng trăm học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực cao (Đề án 922) và người tài diện thu hút của thành phố chưa được vào công chức, trong khi Nhà nước có quy định không tồn tại nhân viên hợp đồng trong khu vực hành chính công.
Đầu tháng 6 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã đối thoại với các học viên. Nhiều người tài cũng cho biết việc bố trí nhân lực của thành phố không hợp lý, đãi ngộ chưa xứng đáng. Vất vả ở nước ngoài để có được tấm bằng từ khá trở lên, về nước các học viên không có quyền lựa chọn vị trí, công việc mình muốn làm.