Ngày 5/3, phản biện đề án Thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về TP HCM làm việc (giai đoạn 2018-2020), TS Nguyễn Ngọc Giao (Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM) cho rằng, đề án đã đặt quá nhiều điều kiện cho người dự tuyển. Trong khi đó, nếu thành phố muốn thu hút nhân tài phải xác định họ làm việc sẽ được lợi gì, lợi hơn chỗ khác thế nào.
"Các chuyên gia sẽ ngại dự tuyển vì nhiều điều kiện quá, đừng để 'ở trên trải thảm mà dưới trải đinh'. Thu hút người tài không chỉ trên tinh thần xây dựng đất nước chung chung, mà cần thoả thuận rõ cái thành phố cần và cái người ta có", ông Giao nói.
Góp ý về việc này, ông Giao đề nghị thành phố nên ưu tiên chính sách nhập cư cho lao động chất lượng cao; không phân biệt nhà khoa học trong và ngoài nước; đánh giá họ dựa trên chất lượng công việc. Thành phố cũng cần lập quỹ riêng để thường xuyên khen thưởng người đạt hiệu quả công việc.
Ngoài ra, theo TS Giao, đề án chưa thể thu hút nhân tài mà chỉ đáp ứng tốt cho việc tuyển chọn cử nhân, thạc sĩ về các sở, ban ngành làm việc. "Bởi giáo sư, tiến sĩ không phù hợp làm việc ở các cơ quan hành chính. Nên tách thành hai đề án là tuyển cán bộ chuyên viên cho các sở ban ngành; và tuyển nhân tài, người nghiên cứu khoa học cho các khu công nghệ cao", ông đề nghị.
Trong khi đó, TS Trần Hoàng Ngân (Học viện Cán bộ TP HCM) quan tâm đến việc tạo môi trường làm việc như thế nào để người tài, nhà khoa học cống hiến cho thành phố. Theo ông, chính sách tài chính rất cần nhưng không phải quyết định toàn bộ, bởi nhiều người chỉ muốn cống hiến, đóng góp.
Các nhà khoa học thường không muốn ràng buộc, nên để họ tự do, không nên đưa vào biên chế.
Họ không chỉ đóng góp chất xám, công trình cho riêng TP HCM, cho cả nước, mà bất kỳ nơi nào. Vì thế thành phố nên "đặt hàng" những đề tài cụ thể để nhà khoa học tham gia, đồng thời áp dụng cơ chế thoáng để nhà khoa học được thụ hưởng trên đề tài họ nghiên cứu.
"Còn hơn quy định mức lương bao nhiêu, quy định thời gian làm việc sáng đi chiều về sẽ rất bó hẹp", TS Ngân nói.
Ông cũng đề nghị khâu tuyển dụng nên để cơ sở quyết định, sau đó đưa lên UBND thành phố thẩm định lại, chứ không cần lập hội đồng thi tuyển ở trên rồi quyết định xuống dưới.
Đặt chuyên gia trong mối quan hệ xã hội
Làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TP HCM) ủng hộ thành phố đi đầu trong việc xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, ông cho rằng thành phố cần có cách nhìn nhận khác trong việc thu hút nhân tài. Cụ thể là xác định rõ nhu cầu của thành phố chứ không phải quy định, đòi hỏi từ nguồn cung.
Ông ví dụ, đề án Thành phố thông minh hay Thành lập Khu đô thị sáng tạo (tích hợp quận 2, 9, Thủ Đức) mục tiêu cần những người nào, cần đóng góp gì để từ đó ra tiêu chí tuyển chọn. Việc tuyển chọn cũng nên giao quyền cho người trực tiếp đánh giá thực lực ứng viên, quyết định tuyển dụng hay không chứ không phải vai trò của các sở, ban ngành.
Để hấp dẫn người tài về làm việc, ông Vũ kiến nghị ngoài hỗ trợ lương cùng các chính sách tài chính, thành phố cần hỗ trợ thêm về nhà ở, bảo hiểm cho người thân trong gia đình... để họ yên tâm làm việc.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Lập (Đại học Bình Dương) nói rằng, cần đặt chuyên gia, nhà khoa học trong mối quan hệ tổng thể xã hội, hỗ trợ thêm cho gia đình họ, chứ không chỉ đơn thuần trả lương năm nay hay năm tới bao nhiêu.
Trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 54 Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, UBND TP HCM vừa ban hành dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học trẻ.
Ngay khi được tuyển chọn, họ được trợ cấp 100 triệu đồng (đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hoặc thạc sĩ loại giỏi và có công trình nghiên cứu khoa học). Các trường hợp còn lại được hỗ trợ 80 triệu đồng.
Họ được hưởng mức thu nhập theo bảng lương Chuyên gia cao cấp (gồm công lao động, chi phí đi lại, làm thêm giờ, đóng bảo hiểm xã hội...); khi thực hiện tốt nhiệm vụ sẽ được hưởng mức cao hơn. Họ cũng được hưởng nhiều chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học công nghệ, nhà ở, thuế thu nhập cá nhân...
TP HCM giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tuyển chọn. Ứng viên phải là những người có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học đáp ứng Điều 2 Nghị định 140/2007 của Chính phủ; hoặc là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, thạc sĩ cùng đề tài, công trình khoa học...
Tuyết Nguyễn