Chiều 18/11, Khánh Hòa thời tiết khá xấu, mưa lâm thâm. Nhiều người dân vẫn đang tất bật dọn dẹp, khắc phục nhà cửa khi bị bão Damrey càn quét hai tuần trước. Nhiều nơi, cuộc sống người dân vẫn còn ngổn ngang, nay có nguy cơ hứng chịu cơn bão số 14 (tên quốc tế Kirogi), khiến họ đầy lo lắng. Mọi người tranh thủ mua bao, lấy cát chằng chống nhà cửa.
Ông Nguyễn Văn Dũng (50 tuổi, xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang) bảo quá ám ảnh với bão. Ông cho hay, gia đình chủ động chằng chống nhà cửa khá kỹ, trước bão Damrey. Nhưng bão quá lớn, chỉ trong tích tắc, ngôi nhà cấp 4 đã đổ sập, mái ngói tốc ra văng tứ tung.
"Đến nay, gia đình còn chưa dựng lại nhà mới, chỉ che những tấm tôn nhặt lại được, lấy các trụ gác lên ở tạm", người đàn ông lo ngại khi hay tin bão ập đến Khánh Hòa vào ngày mai.
Sống cách ông Dũng chừng hai dãy nhà, bà Tư (72 tuổi) bảo lần đầu tiên thấy trận bão khủng khiếp như vừa qua. Nhà bà tuy không ảnh hưởng nhiều, song mái tôn hư hỏng khá nặng. Các con bà tập trung sửa lại nhà ít hôm trước.
Hôm nay, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp khẩn với các sở, ngành để lên phương án ứng phó bão. Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch tỉnh yêu cầu những người đứng đầu các đơn vị phải gác lại những cuộc họp cấp bách, tập trung sức lực chống bão, tránh trường hợp chủ quan.
"Trận bão trước, toàn tỉnh bị càn quét quá nặng nề (43 người chết), tới giờ vẫn chưa khắc phục xong nên phải hạn chế những thiệt hại", ông Vinh nói và cho biết, khi đi khảo sát người dân nhiều nơi đã sửa chữa lồng bè, nay địa phương phải hỗ trợ sắp xếp đưa vào bờ, không cho bất kỳ người nào ở lại.
Ông Vinh yêu cầu các địa phương phải kiểm tra, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt vùng ven biển, trũng thấp và có gió mạnh. Người dân không được ở lại nhà tạm, có nguy cơ tốc mái, sập đổ khi có bão to, gió lớn.
Các công trình xây dựng cao tầng, chủ đầu tư phải tháo dỡ, hạ thấp độ cao cần cẩu, phương tiện thi công và che chắn khu vực xây dựng. "Công tác sơ tán phải hoàn thành trước 19h hôm nay", người đứng tỉnh nhấn mạnh.
Ngành giáo dục phát thông báo cho học sinh nghỉ học từ nay, đến hết hôm 20/11. Sở du lịch phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành nghiêm cấm tàu thuyền du lịch ra đảo, bắt đầu trưa nay. Ngoài ra, đảm bảo an toàn cho lượng khách trong và ngoài nước lưu trú tại Nha Trang và các địa phương.
Trong đó, Sở y tế rà soát các bệnh viện, trạm xá phải đảm bảo số thuốc cung ứng cho người dân và triển khai công tác phòng, chống dịch đảm bảo an toàn vệ sinh phòng bệnh – nhất là khi bão, mưa lũ ngập kéo dài.
Tại Ninh Thuận, UBND tổ chức họp khẩn triển khai phương án phòng chống bão. Ông Trần Hữu Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh nói rằng, Ninh Thuận nằm trong tâm số 14. Tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm tra từng địa điểm, buộc người dân rời khỏi lồng bè nuôi thuỷ hải sản, tàu thuyền.
"Người đứng đầu các đơn vị không được chủ quan, phải tập trung sức lực ứng phó với bão", ông Nam nói và cho biết, mọi công tác chuẩn bị đối phó phải hoàn tất trước 21h hôm nay.
Các sở, ngành ngừng các cuộc họp không cấp bách, tập trung sức lực phòng chống bão. Ngành giáo dục phát thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học. Đồng thời, lực tại chỗ túc trực 24/24, kịp ứng phó, khi bão ập đến.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho hay, tại Ninh Thuận có hơn 2.6000 tàu thuyền với gần 17.000 lao động hoạt động nghề đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, gần 700 thuyền cùng hơn 5.200 lao động đang trên biển, đơn vị liên lạc và thông báo họ vào nơi tránh trú an toàn.
Theo Ban chỉ huy Phòng chóng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, trong hơn 7.000 tàu thuyền trên toàn tỉnh, đến trưa nay, vẫn còn 321 tàu xa bờ và hơn 2.000 tàu gần bờ với hơn 16.000 lao động đang hoạt động trên biển.
Các tàu thuyền này vẫn đang đảm bảo thông tin liên lạc với gia đình trên đất liền. Các đồn Biên phòng đã thông báo cho các phương tiện biết tin, thoát ra khỏi vùng thời tiết nguy hiểm, cũng như kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng trở về đất liền tránh bão.
Tại cuộc họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 14, lãnh đạo tỉnh nhận định khả năng bão đổ bộ vào tỉnh này là rất lớn. Các huyện Tuy Phong và Phú Quý có thể sẽ bị ảnh hưởng bão trực tiếp. Chủ tịch tỉnh phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ 9h30 ngày 18/11.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đến chiều 18/11, đã có 3.224 tàu thuyền với trên 11.000 ngư dân đã vào bờ tránh bão. Vẫn còn 2.639 tàu với hơn 16.000 ngư dân vẫn đang hoạt động trên biển. Trong đó, 35 tàu với 317 ngư dân đang hoạt động trong vùng thời tiết nguy hiểm. Các tàu vẫn liên lạc với gia đình và các trạm Biên phòng, dự kiến sẽ thoát ra khỏi vùng thời tiết nguy hiểm vào chiều nay.
Thủ tướng gửi công điện chỉ đạo đối phó bão số 14
Chiều nay, Thủ tướng đã có công điện khẩn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão số 14, mưa lũ để chủ động chỉ đạo ứng phó.
Trong đó, các tỉnh ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão (từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng) triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm ở cửa sông, ven biển có nguy cơ ngập, sập đổ... đến nơi an toàn. Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình xây dựng.
Đối với Bộ Nông nghiệp, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng... cần quyết liệt triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, công tác xả lũ để hạn chế rủi ro, ngập úng phía hạ du, ảnh hưởng sản xuất, đời sống người dân. Đảm bảo an toàn các công trình xây dựng, hạ tầng giao thông, lịch trình đi lại... đảm bảo an toàn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h hôm nay tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 400 km, sức gió tối đa 75 km/h, cấp 8, giật tăng 3 cấp. Di chuyển hướng Tây, tốc độ 20-25 km/h, đến 10h sáng mai tâm bão ngay bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, sức gió tối đa 90 km/h, cấp 9, giật cấp 12. Bão đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Bão gây mưa từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, trọng tâm là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (từ đêm 18 đến 20/11). Mưa do kết hợp với không khí lạnh mở rộng ra Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ kéo dài đến 26/11. |
Nhóm phóng viên