Hôm nay 1/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; dự toán chi ngân sách 2018 và tài chính 3 năm 2018 - 2020.
Được phép phát biểu 10 phút, nhưng với phong cách hùng hồn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã dùng tới 18 phút đề cập đến nhiều vấn đề thuộc ngành mình quản lý.
Theo ông, sức sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện không chỉ thoả mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất đi 180 nước, với 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2016; dự kiến năm 2017 là 35 tỷ USD.
Bộ trưởng Nông nghiệp cho rằng, biến đối khí hậu mang đến nhiều thách thức, tuy nhiên trong khó khăn cũng có thể xoay chuyển bằng cách hướng vào những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh. Ông đơn cử, đồng bằng sông Cửu Long trước đây tập trung sản xuất theo thứ tự là lúa gạo - thuỷ sản - trái cây, thì nay chuyển đổi sang thuỷ sản - trái cây - lúa gạo.
"Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản tăng 5-7% mỗi năm. Chúng ta lựa chọn hai con điển hình là tôm và cá tra. Riêng tôm, thế giới có 7 tỷ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn", nhận định lạc quan của ông Cường khiến cả hội trường bật cười.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, các tỉnh cần lựa chọn đặc sản để đầu tư sản xuất, như xoài Cao Lãnh; rau, hoa Đà Lạt; nhãn lồng Hưng Yên; cam Cao Phong... Riêng tỉnh Bắc Giang có rất nhiều sản phẩm chủ lực như vải thiều, gà đồi Yên Thế, na Lục Nam...
"Nông dân Việt Nam rất sáng tạo, chưa có nước nào vải thiều, na ra quả trên thân cây như ta. Vì vậy nước ngoài ngạc nhiên là đất nước diện tích nhỏ, thiên tai liên tục như vậy mà vẫn sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp giá trị lớn", ông Cường cho hay.
Giải quyết 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương trong 3 năm tới
Giải trình về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang "đắp chiếu" của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định "các công việc liên quan đang đi đúng tiến trình".
Theo ông, năm 2016 – 2017 Chính phủ lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ; năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý; năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để.
“Việc xử lý các dự án này phức tạp vì qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Chúng tôi phải đánh giá đồng bộ những tồn tại, nguyên nhân để có hướng giải quyết. Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới”, ông nhấn mạnh.
Báo cáo mới nhất của ngành Công Thương cho hay, trong 12 dự án nêu trên, có 6 nhà máy đang vận hành nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (gồm dự án: Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; bột giấy Phương Nam).
Các dự án bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex.
Buôn lậu hơn 1.500 điếu thuốc lá sẽ bị xử lý hình sự.
Trước việc trong phiên thảo luận hôm qua (31/10), nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề buôn lậu buôn lậu thuốc lá, Bộ trưởng Tuấn Anh thừa nhận "chính sách chưa đủ mạnh, chế tài xử lý chưa nghiêm".
“Đúng là có thực trạng nhờn pháp luật, lợi ích cao trong buôn lậu nên các hành vi buôn lậu tổ chức tinh vi, có hệ thống và không giới hạn trong phạm vi một địa phương như trước”, Bộ trưởng Công Thương nói.
Ngoài ra, theo ông, có sự đứt khúc trong điều hành, quản lý giữa các cơ quan kiểm tra liên ngành như công an, quản lý thị trường... khiến hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu yếu.
Về giải pháp, ông Tuấn Anh nói, việc tái xuất thuốc lá lậu đã được Chính phủ “tuýt còi” khi mới đây Thủ tướng quyết định “các lô hàng thuốc lá nhập lậu khi tịch thu phải tiêu huỷ chứ không được tái xuất”. Ngoài ra, buôn lậu hơn 1.500 điếu thuốc lá nếu bị bắt giữ sẽ truy trách nhiệm hình sự.
Các nhiệm vụ lớn được lãnh đạo ngành Công Thương cam kết trên diễn đàn Quốc hội là: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu quy mô lớn; nâng cao trình độ của lực lượng quản lý thị trường, thành lập Tổng cục quản lý thị trường (nâng cấp từ Cục)...
Bộ trưởng Công Thương vừa kết thúc giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: “Bộ trưởng nói rất nhanh nhưng mất 18 phút, quá 8 phút quy định”.
"Khẳng định quan điểm quân đội làm kinh tế"
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, nói thời gian vừa qua dư luận ồn ào vấn đề quân đội làm kinh tế, sân golf trong Tân Sơn Nhất; tại các cuộc tiếp xúc, cử tri cũng nêu vấn đề này.
“Quân đội nhân dân Việt Nam khác với quân đội các nước, trong 3 chức năng của QĐNDVN có chức năng sản xuất, cần nhận thức rõ vấn đề này", ông Hồng nói.
Thành viên Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho biết, trên thực tế, các đoàn kinh tế quân đội đóng quân ở địa bàn chiến lược đã góp phần đảm bảo an ninh, bảo vệ tổ quốc.
“Tôi mong muốn trên diễn đàn Quốc hội, chúng ta khẳng định quan điểm quân đội làm kinh tế”, ông Hồng đề nghị.
Khi đại biểu Hồng chuyển sang phát biểu về sử dụng đất quốc phòng thì chủ toạ cắt lời và cho biết đã hết giờ tranh luận (theo quy định là 3 phút).
"Cần nhanh chóng xây dựng đội tàu viễn dương Việt Nam"
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, logistics là ngành kinh tế quan trọng rất cần cho nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, tổng giá trị ngành logistics tương đương từ 21-25% GDP quốc gia, tức là lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây được coi là ngành siêu lợi nhuận, nhưng nhiều năm bị bỏ ngỏ ở Việt Nam.
Vì vậy, ông Bình kiến nghị Chính phủ xác định logistics là ngành mũi nhọn, quản lý tập trung thông qua Uỷ ban Quốc gia.
Đại biểu Bình cũng kiến nghị cần nhanh chóng xây dựng đội tàu viễn dương Việt Nam, giành lại thị phần vận tải biển đang nằm trong tay các công ty nước ngoài.
"Đây là việc đã được khởi động từ mấy chục năm về trước, khi Chính phủ thành lập công ty vận tải biển Việt Nam. Tuy nhiên hướng phát triển tiềm năng này đã không được chú trọng, có chiều hướng đi xuống, đặc biệt là sau sự cố Vinashin và Vinalines", ông Bình nói.
"Nạn xâm hại tình dục trẻ em gia tăng"
Bày tỏ lo lắng trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho hay mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1.300 trẻ em bị xâm hại.
"Nhiều sự việc nghiêm trọng nhưng sau khi xảy ra lại bị bỏ lọt, khó chứng minh tội phạm”, bà Thuỷ nói.
Trong số các nguyên nhân, nữ đại biểu cho rằng, gia đình chưa trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết trước khi bị xâm hại; khi vụ việc xảy ra thì một số gia đình “cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn về tinh thần”, hoặc đưa vụ việc ra công luận thì lại thiếu chứng cứ để xử lý người phạm tội...
Ngoài ra, Luật giám định chưa có quy định riêng cho loại vụ án này, gia đình người bị hại chỉ có thể trưng cầu giám định sau 7 ngày…, trong khi các vụ án này càng kéo dài càng tổn thương trẻ nhỏ. Bà Thuỷ đề nghị sửa luật theo hướng cho phép gia đình nạn nhân được trưng cầu giám định ngay sau khi vụ việc xảy ra.
"Theo luật có 15 cơ quan bảo vệ trẻ em và Bộ Lao động là cơ quan đầu mối, nhưng không cơ quan nào đưa ra được số liệu đầy đủ, chính xác về nạn xâm hại tình dục trẻ em", nữ đại biểu nêu vấn đề.
"Văn hoá là gốc, nhưng báo cáo chỉ lướt qua"
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề văn hoá vì đây là gốc, nền tảng đạo đức của con người, nhưng lại đang có biểu hiện xuống cấp, làm xã hội bất an.
Theo ông Quang, trong báo cáo 50 trang của Chính phủ chỉ có 10 dòng nói về văn hoá, mà cũng chỉ lướt qua một vài con số chứ không nhắc đến những vướng mắc, khó khăn cần tập trung giải quyết, để qua đó đặt mục tiêu xây dựng nền văn hoá Việt Nam hướng đến chân, thiện, mỹ.
"Với vai trò quan trọng của văn hoá như vậy, tôi đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư, các báo cáo cần nói rõ nội dung này", ông Quang nhấn mạnh.
Đại biểu này cũng nêu thực trạng người Việt Nam đang có trung bình 10 năm sống không khoẻ, sống trong bệnh tật.
"67% người cao tuổi Việt Nam sống trong tình trạng yếu, rất yếu. Trong khi đó, chưa có hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi, đặc biệt là hệ thống trại dưỡng lão", ông Quang nêu vấn đề.
Đề cập đến thách thức của chất lượng tăng trưởng, ông Nguyễn Hữu Toàn – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, chỉ ra các vấn đề như nợ công cao, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế hạn chế, cân đối tài chính khó khăn.
Ông Toàn đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, kịp thời rà soát các dự án giải ngân chậm, không để tới cuối năm rồi lại dồn vốn sang năm sau...
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đồng tình với đề xuất của Uỷ ban Trung ương MTTQ VN về việc phải có cuộc tổng điều tra, rà soát công tác bổ nhiệm cán bộ trên toàn quốc. "Qua đó để làm rõ các tiêu cực trong lĩnh vực này, nhất là tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà không đúng quy định”, ông nói.
Trong phiên làm việc hôm qua đã có 42 đại biểu nêu ý kiến, 8 đại biểu tranh luận và 2 Bộ trưởng (Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường) tham gia làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.
"Không khí phát biểu sôi nổi, thẳng thắn có chất lượng và trên tinh thần xây dựng", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá.
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội, có 69 đại biểu đăng ký chờ nêu ý kiến trong ngày làm việc hôm nay; Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp Phát triển nông thôn sẽ tham gia giải trình nội dung đại biểu đề cập.
Trong ngày làm việc đầu tiên về kinh tế - xã hội và ngân sách, các vấn đề về tăng trưởng GDP, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn, cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư "chắp vá, đứt đoạn", công tác dự báo thiên tai, buôn lậu thuốc lá... đã được các đại biểu đề cập trên nghị trường.
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội ở đầu kỳ họp cho thấy, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.
Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...
Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Cơ quan này cũng lưu ý, các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản...
Hoàng Thuỳ - Anh Minh - Võ Hải