Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ra công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống cúm gia cầm.
Theo Bộ Nông nghiệp, trước và sau Tết Nguyên đán, điều kiện thời tiết giá lạnh, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao. Do vậy nguy cơ xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm và khả năng virus cúm A/H7N9 cũng như các chủng virus cúm độc lực cao khác xâm nhiễm vào trong nước là rất cao, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.
Nhằm hạn chế các ổ dịch cúm gia cầm phát sinh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm; ngăn ngừa virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước.
Bộ Nông nghiệp cũng nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho tặng gia cầm tại khu vực biên giới.
Theo công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) thông báo, ngày 12/1, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận một trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại Tân Cương, nâng tổng số người bị nhiễm virus cúm A/H7N9 lên 1.624 người, trong đó có 621 ca tử vong.
Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng thông báo, kết quả giám sát trong tháng một do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố đã có 36 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với virus cúm gia cầm A/H7N9; chính quyền nhiều tỉnh của Trung Quốc đã áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm sống từ hai đến ba tuần để hạn chế virus lây lan.
Tại Việt Nam, virus cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia cầm và trong môi trường. Năm 2017 có khoảng 1,75% mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 và 0,91% mẫu dương tính với cúm A/H5N6.