Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, còn hai hộ dân chưa đồng ý di dời, một số hộ khác ngoài ranh dự án tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên vẫn sử dụng lối đi thuộc phần đất của Bến xe Miền Đông mới để lưu thông.
Hiện, Tổng công ty Samco (đơn vị được giao chủ đầu tư) vừa thi công các tuyến đường nội bộ, vừa phải duy trì các đường tạm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khiến thời gian làm bến xe kéo dài. Bến xe Miền Đông mới không kịp đưa vào khai thác giai đoạn một trước Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của thành phố.
Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải kiến nghị lãnh đạo thành phố yêu cầu Samco hệ thống lại toàn bộ tình hình đầu tư xây dựng, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Còn UBND quận 9 giải quyết dứt điểm việc di dời các hộ dân còn lại.
Hồi đầu năm nay, Samco tổ chức lễ khởi công bến xe miền Đông mới tại phường Long Bình, quận 9 (TP HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với quy mô 16 ha, rộng gấp 3 lần bến xe hiện hữu với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. UBND TP HCM đã chỉ đạo trước ngày 30/1/2018 phải đưa vào hoạt động, đồng thời di dời bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) ra quận 9 vào trước Tết Nguyên đán.
Theo thiết kế, mỗi năm, bến xe Miền Đông mới phục vụ 7 triệu lượt khách đi các tỉnh miền Đông, Trung, Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến.
Bến xe cũng kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhận nhiên liệu, khu trung tâm chuyển dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ.
Bến xe miền Đông mới sẽ kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Hành khách từ các tỉnh đến bến xe có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, metro để vào trung tâm thành phố hoặc về các quận huyện vùng ven; cũng như có thể đi Bình Dương, Đồng Nai...
Sau khi hoàn thành việc di dời bến xe Miền Đông hiện hữu, một phần khu đất rộng 62.000 m2 được quy hoạch thành bãi xe buýt, xe du lịch, phần còn lại xây khu phức hợp trung tâm thương mại - dịch vụ, văn phòng cho thuê và khách sạn.
Hữu Công