Lê Hiến Tông (1461-1504) là con trưởng của vua Lê Thánh Tông, ở ngôi 7 năm, từ 1497. Nếu vua cha Lê Thánh Tông được coi là anh minh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, 38 năm ông trị vì được xem là thời đại hoàng kim của Đại Việt thì Lê Hiến Tông đã gìn giữ thành công cơ đồ ấy.
Sinh thời, chính vua Hiến Tông từng nói: “Thánh tổ ta đã gây dựng nên cơ đồ, vua cha ta đã sửa sang mọi việc, ta nay chỉ nên lo giữ gìn nếp cũ và mở mang sự nhân chính ra cho sáng rõ công đức của ông cha ngày trước”.
Vua Lê Hiến Tông chú trọng làm thủy lợi, chăm sóc bảo vệ đê điều, đường sá... Vua cho phép quân đội thay phiên nhau tháng 6, tháng 10 chia một nửa về làm ruộng; chú tâm giáo dục quan lại, chống thói quan liêu, tham nhũng...
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Vũ Quỳnh nhận xét về Lê Hiến Tông: “Vua thông minh, trí tuệ hơn người, nhân từ, ôn hòa, không tỏ ra nghiêm khắc... Kẻ thần hạ có lỗi lầm gì, chỉ răn quở qua loa, không nỡ đánh roi làm nhục. Cách cai trị nhàn hạ ung dung, chưa từng lộ ra lời nói, sắc mặt tức giận mà thiên hạ răm rắp theo lệnh".
Sau bảy năm ở ngôi, ngày 24/5/1504 (âm lịch), vua băng hà ở điện Đồ Trị, thọ 44 tuổi. Đến ngày 18/11 cùng năm, linh cữu nhà vua được đưa về Tây Kinh (Lam Kinh, Thanh Hóa) an táng tại Dụ Lăng. Bia Dụ Lăng (Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi) được dựng cùng thời gian này trên điểm cao nhất của gò đất hướng Nam, cách lăng mộ vua cha Lê Hiến Tông khoảng 30m.
Bia vua Lê Hiến Tông có giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo
Bia Dụ Lăng nặng khoảng 13 tấn, gồm thân bia và rùa, được tạc bằng đá xanh nguyên khối, hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống. Văn bia hình chữ nhật, cao 2,78m, rộng 1,98m, dày 0,27m. Rùa đội bia dài 2,64m, rộng 1,9m, cao 0,69m.
Trán bia (mặt trước) tạo hình vòng cung, chia thành ba ô, mỗi ô trang trí một rồng, rồng hai bên chầu vào nhau, rồng chính giữa lớn nhất. Mặt rồng ở chính tâm, thân cuộn theo kiểu chữ Vương.
Toàn bộ hình nền trán bia điểm xuyến hoa văn đao lửa, vân mây cách điệu. Bố cục hài hòa tạo ra một không gian bầu trời vần vũ chuyển động linh thiêng. Diềm bia cũng được các nghệ nhân chạm khắc nhiều hình rồng đẹp.
Bia được khắc chữ Hán hai mặt với 58 dòng, 3.000 chữ. Mở đầu, các soạn giả Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm đã dùng điển cố, điển tích ca ngợi thân thế của nhà vua. Tiếp đến các soạn giả thuật lại sự nghiệp của Lê Hiến Tông, trong đó đậm nét nhất là phần ghi về thời gian trị vì của nhà vua.
“Lúc mới lên ngôi vua cho thả cung nữ đến hơn trăm người, sai sứ bãi miễn cứu trợ cho dân bốn phương nghèo khó, những người nghèo khổ già yếu trong quân đều tha và bố trí cho về. Những người đi phú dịch công trình thì giảm bớt... Vua nới rộng hình phạt trong quân, thi hành tiết nghĩa, giúp kẻ nghèo túng khốn cùng, nâng nhấc những người liêm khiết, tiến cử người hiền tài làm cho trong ngoài đều vui…”, văn bia ghi.
Mặt sau văn bia trang trí họa tiết và phong cách tạo tác trên trán bia như mặt trước. Viền biên và đế trang trí nhiều hình rồng tinh xảo. Phong cách tạo tác các hoa văn vân mây, đao lửa ở viền mặt sau bia giống viền mặt trước.
Đế bia là tượng rùa được tạo tác thân dầy, mập, căng khỏe, biểu hiện sự sung mãn. Tư thế rùa đầu ngẩng cao như đang di chuyển về phía trước để lộ hai răng to khỏe, hai mắt lộ rõ. Toàn bộ phần lưng rùa để trơn, chân rùa chạm năm móng, đuôi uyển chuyển khép kín phía sau mai rùa.
Kỹ thuật chế tác bia Dụ Lăng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Do đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt, tháng 12/2017, Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây cũng là bảo vật quốc gia thứ chín ở Thanh Hóa được Thủ tướng công nhận.
Theo ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, các nhà sử học đánh giá, bia Dụ Lăng không chỉ là pho sử liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Hiến Tông mà còn là chứng cứ lịch sử, văn bản gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, góp phần bổ sung tư liệu cho chính sử.
Bên cạnh giá trị lịch sử, bia Dụ Lăng còn là tác phẩm trang trí kiến trúc nghệ thuật mang nhiều giá trị tiêu biểu thời Lê Sơ. Nghệ thuật điêu khắc ở đây dù hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nhưng công phu, đường nét trau chuốt, tỉ mỉ được thể hiện qua từng chi tiết chạm khắc...