Bão Tembin đã vượt qua đảo Palawan (Philippines) và trở thành cơn bão thứ 16 vào biển Đông trong năm.
4h ngày 24/12, tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 340 km về phía Đông với gió mạnh nhất 115 km/h (cấp 11), giật tăng ba cấp.
Ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20-25 km/h và được dự báo tiếp tục mạnh thêm.
Sáng sớm mai, tâm bão trên khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa, cách Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) 380 km về phía Đông. Gió tăng thêm một cấp - cấp 12 (tối đa 135 km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 8-10 m.
16h ngày 25/12, tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, giữ nguyên sức gió cấp 12. Sau đó, bão đi vào đất liền các tỉnh này với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13 và yếu dần.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, bão khiến các khu vực trong bán kính 150 km tính từ tâm bão gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13.
Đến 4h ngày 26/12, tâm bão trên khu vực các tỉnh từ Cà Mau và Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão khoảng 90 km/h (cấp 9), giật tăng hai cấp, sóng biển cao 7-9 m.
Nhận định về cơn bão, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho hay, đây là bão cuối mùa, bão muộn, trung bình 10 năm có một cơn, nhưng với cấp độ mạnh như bão Tembin là chưa từng có.
Đặc điểm khá bất thường của cơn bão này là hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây của vị trí tâm bão. Vì vậy, vùng mưa và gió mạnh nhất tập trung ở phía Bắc và phía Tây của tâm bão. Nghĩa là dù bão có đổ bộ vào Cà Mau thì vùng gió mạnh vẫn ảnh hưởng đến tận Nam Bình Thuận, Vũng Tàu.
"Kể cả khi bão giảm cấp khi đến Trường Sa rồi vào bờ, thì mây bão tan nhanh cũng gây mưa lớn với lượng 150-200 mm từ đêm 25 đến hết ngày 26/12", ông Cường nhận định.
Theo ông Cường, trường hợp bão vào bờ vẫn còn gió mạnh cấp 10-11 thì cấp độ rủi ro thiên tai cho khu vực bão ảnh hưởng là cấp 4 - rủi ro lớn. Nếu gió mạnh cấp 12 thì khu vực Nam Bộ chịu cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm họa.
Đến thời điểm này, các dự báo đều cho thấy bão sẽ đổ bộ vào cùng ven biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Nam bộ. Nhiều khả năng khi vào gần bờ, bão còn mạnh cấp 10-11, khi đổ bộ còn cấp 9-10.
"Tuy nhiên, vẫn có khả năng khi đến Trường Sa bão giữ nguyên cấp độ cho đến khi vào bờ với gió mạnh cấp 11-12. Do vậy phải phòng chống với cấp độ thảm họa", giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định.
Trong công điện gửi các bộ ngành và địa phương tối qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động đối phó bão mạnh để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997.
Trước khi vào biển Đông, Tembin ập vào hòn đảo lớn thứ hai của Philippines ngày 22/12 gây ra hàng loạt vụ lũ quét, lở đất, có nơi cả một ngôi làng bị chôn vùi. Thống kê ban đầu đã có 133 người thiệt mạng, hiện còn rất nhiều người mất tích.
Hữu Nguyên