
Hướng đi của bão Tembin theo trung tâm khí tượng thủy văn trung ương.
Trong bản tin đầu giờ chiều 25/12 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tâm bão cách Côn Đảo khoảng 240 km về phía Đông với sức gió gần tâm bão 100 km/h (cấp 10), giật tăng ba cấp.
Chiều và tối nay bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển giảm còn 15-20 km/h.
Đến 1h ngày 26/12, tâm bão ngay trên phía Nam Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão khoảng 90 km/giờ (cấp 9), giật cấp 12.
Bão được dự báo tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với tốc độ nhanh hơn, khoảng 20 km/h và đi vào vùng biển Cà Mau - Kiên Giang lúc 13h. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão giảm còn cấp 8 (60-75 km/h), giật tăng ba cấp. Sau đó, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Hoàn lưu bão Tembin tiếp tục gây mưa to ở Nam Bộ. Từ đêm nay các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to, khả năng kéo dài 2-3 ngày và mở rộng ra phía Bắc.
"Khả năng càng vào gần đất liền bão Tembin tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, mức độ rủi ro của nó vẫn ở cấp 4 (nghiêm trọng) do Nam Bộ ít có bão, là vùng bằng phẳng nên mưa gió hoành hành hơn", đại diện trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khuyến cáo.
Tương tự, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế như Mỹ, Hong Kong, Nhật Bản cũng dự báo bão Tembin đang giảm cấp và có xu hướng đi chệch xuống phía Nam hơn. Tâm bão không còn đổ bộ trực tiếp vào Cà Mau như ban đầu.

Đường đi của bão Tembin theo dự báo của Hải quân Hoa Kỳ.
Hiện, các tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn cấp tập đối phó cơn bão có diễn biến phức tạp này. Hàng trăm nghìn người dân Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... lỉnh kỉnh đồ đạc di tản đến nơi an toàn, một số người không chịu đi đã bị cưỡng chế đến nơi an toàn trước giờ bão Tembin đổ bộ. Cũng trong sáng nay, đoàn công tác của Trung ương do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã có mặt ở Sóc Trăng – một trong 4 tỉnh được dự báo bão Tembin sẽ đổ bộ để kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó bão.
Trước đó, nhận định về cơn bão, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho hay, đây là bão cuối mùa, bão muộn, trung bình 10 năm có một cơn, nhưng với cấp độ mạnh như bão Tembin là chưa từng có.
Đặc điểm khá bất thường của cơn bão này là hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây của vị trí tâm bão. Vì vậy, vùng mưa và gió mạnh nhất tập trung ở phía Bắc và phía Tây của tâm bão.
Nghĩa là dù bão có đổ bộ vào Cà Mau thì vùng gió mạnh vẫn ảnh hưởng đến tận Nam Bình Thuận, Vũng Tàu. "Kể cả khi bão giảm cấp khi đến Trường Sa rồi vào bờ, thì mây bão tan nhanh cũng gây mưa lớn với lượng 150-200 mm từ đêm 25 đến hết ngày 26/12", ông Cường nhận định.
Đi vào biển Đông và thành cơn bão thứ 16 trong năm đêm 23/12, bão Tembin được đánh giá là cơn bão mạnh, có khả năng đổ bộ vào đất liền với gió giật cấp 13.
Hữu Nguyên