Do ảnh hưởng của bão, từ chiều và đêm 18/7 ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa từ 70-150 mm. Khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh gió mạnh cấp 6, vùng tâm bão Nghệ An, Hà Tĩnh cấp 7. Đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 7 (50 đến 60 km mỗi giờ), giật cấp 9; huyện Tĩnh Gia, Ngọc Trà (Thanh Hóa) có gió giật cấp 9.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 4h ngày 19/7, tâm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão Sơn Tinh) ở trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa với sức gió mạnh nhất 40 đến 60 km mỗi giờ (cấp 6-7).
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 đến 25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16h ngày 19/7, vùng áp thấp ở trên đất liền khu vực Trung Lào, sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới 40 km mỗi giờ (cấp 6).
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trong sáng 19/7 ở vịnh Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh. Trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh trong sáng sớm nay có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Cảnh báo mưa to và lũ
Cơ quan khí tượng cho hay, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa trên diện rộng. Ngày và đêm 19/7, ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa , Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to.
Từ ngày 20/7, mưa lớn có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc. Mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ khả năng kéo dài nhiều ngày tới.
Khu vực Hà Nội ngày và đêm 19/7 có mưa và giông. Trong cơn giông khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.
Cũng theo cơ quan khí tượng, từ nay đến ngày 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng (Thái Bình), sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ.
Bão Sơn Tinh được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi đảo Luzon (Philippines) ngày 16/7. Với tốc độ di chuyển rất nhanh (30-35 km/h), đi thẳng hướng Tây, nên chỉ sau 2 ngày vào biển đông, bão đã đổ bộ vào bờ biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, tâm bão vào Nghệ An, Hà Tĩnh với sức gió cấp 7. Sơn Tinh là cơn bão thứ 3 hoạt động trên biển Đông từ đầu năm 2018 nhưng là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Trước đó, bão số 1 (Bolaven) xuất hiện vào tháng 1, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biển Phú Yên-Ninh Thuận và tan dần. Bão số 2 (Ewiniar) hoạt động vào đầu tháng 6 cũng tan trên biển. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông năm 2018 không nhiều như năm 2016 và 2017 cả về số lượng và cường độ. Cụ thể, sẽ có khoảng 12-13 cơn, trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Xu thế chung là bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều nhưng yếu ở Bắc Biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa. |
Võ Hải