Thứ sáu, 22/12/2017, 00:26 (GMT+7)

Bão Damrey: Khi đau thương ngoài sức tưởng tượng

"Ngoài sức tưởng tượng" là cách người dân Khánh Hòa mô tả về bão Damrey. Nhưng chính sự khôn lường ấy, là đặc tính của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Đi là con cả trong gia đình có bốn anh em. Học xong lớp 9, cậu xin nghỉ học, tìm việc san sẻ gánh nặng và chăm lo cho các em.

Thấy nhà cửa ọp ẹp, dựng bằng những tấm tôn cũ kỹ, anh bảo bố làm nhà. Nói rồi Đi liền mượn chủ lồng tôm hùm 20 triệu đồng. Bảy năm trước, họ dựng được ngôi nhà cấp bốn, rộng gần 50m2 để trú tránh mỗi khi mưa, gió. Đi làm cho người ta tại bè nuôi tôm trên vịnh Vân Phong, rồi ở miết ngoài biển. Tháng chỉ về thăm nhà đôi lần.

Tiền lương tháng được hơn ba triệu, một phần Đi đưa cho cha mẹ chi tiêu trong gia đình, một phần gửi cho em gái học ở Bình Định. Nhiều lần ông Nở đã khuyên con lấy vợ, nhưng cậu cứ bảo để lo cho các em, rồi cười hiền cho qua chuyện.

Trong ký ức ông, cậu con trai thấp người có tính cách hiền lành, thương các em. Tuy ít nói, song mỗi khi các em có chuyện, người anh đều thay bố mẹ chia sẻ, đỡ đần. "Nếu không có nó, chắc con gái cũng chẳng đến trường, nhà cửa vẫn là những tấm tôn nhàu nát và là trụ cột của gia đình", người cha tâm sự.

Hai tháng trước, Đi về thăm nhà, tay cầm bị cá biển cùng ít hải sản, rồi hì hục vào bếp. Mấy cha con ngồi hàn huyên với nhau.

Đi nói, Tết này sẽ lấy tiền dành dụm cho em gái, mừng nó mới ra trường. Bằng công làm lụng của anh, cô em gái vừa tốt nghiệp đại học ngành sư phạm. Rồi Đi muốn mua một chiếc xe máy, tìm công việc nào đó trên bờ để làm.

Bao năm đi làm, một chiếc xe máy mới vẫn chỉ là mơ ước của người anh cả nặng gánh trong gia đình này.

22h30 ngày 3/11, Đi gọi về hỏi tình hình ở nhà. Cậu kể, ngoài biển sóng rất lớn, cao hơn 5 mét. Tại bè, cậu và chủ cùng một người khác đang chằng chống lồng tôm.

3h20 hôm 4/11, bão Damrey tăng tốc, gió rít liên hồi, thổi bần bật trên mái nhà như đang nghiến răng. Phần sau nhà bị bão giật sập. Điện cúp, bên trong tối om, vợ chồng ông, con gái và gia đình hai người con trai cùng cháu gái co cụm. Bên ngoài mưa dữ tợn.

Nghĩ tình hình không ổn, ông gọi điện thoại, nhưng con trai cho biết bão đang vào. Con vẫn ổn, rồi tắt máy khi người cha chưa kịp dặn phải cẩn thận.

Hơn giờ sau, vợ ông tiếp tục gọi, nhưng điện thoại không đổ chuông, chỉ vọng lại tiếng thông báo thuê bao khoá máy. Nhiều cuộc gọi dồn dập nhưng đều vô vọng.

Đôi chân không còn vững, bàn tay gầy gộc nhăn nheo lập cập, ông Nở muốn lao ra bão tìm con nhưng bất lực. Tới khi bão tan, ông cùng hai con trai nhờ người giúp đỡ tìm thông tin anh Đi. Nhiều giờ vượt biển, họ đến được nơi nhưng lồng bè tan tác. Xung quanh chẳng bóng người.

Ba hôm sau, mọi người báo chủ bè tôm nơi con ông làm đã tử vong. Rồi chiều hôm ấy, trời xám xịt, thi thể anh Đi được biên phòng tìm thấy trên vịnh Vân Phong, cách lồng tôm chừng 40 km.

Ngoài anh Đi, chủ bè tôm cùng một người khác đã bị bão hất văng xuống biển. Ba người đều tử vong. Ông Nở mới 45, tiễn con khi tóc còn chưa kịp bạc.

Bão Damrey: 20 người chết, 17 người mất tích
 
 

Bão Damrey tàn phá Phú Yên - Khánh Hòa.

Khánh Hòa, những ngày tháng 12 nắng gay gắt. Gần 11h, ông Mai Đình Nở xới bát cơm đầy, vun ít thức ăn đặt lên bàn thờ, thắp nén nhang cho con trai Mai Văn Đi.

Ở góc nhà, vợ ông Nở bà Nguyễn Thị Dư nằm trên chiếc võng trông gầy gò, xanh xao. Hai mắt người phụ nữ 44 tuổi trũng sâu, thâm quầng. Đi lại khó khăn, người mẹ được con dìu đến ăn cơm.

Với tay cầm bát cơm, bà lấy ít thức ăn rồi đặt cạnh bên. "Chỗ này, thằng cả hay ngồi nên để thế, xem như nó đang ăn cùng gia đình".

Chừng 5 phút, bà Dư buông bát. Chén cơm vẫn còn lưng chừng. Bà được các con đưa lên chiếc ghế nhựa, đặt trước bàn thờ anh cả. Ngồi đấy một hồi, bà cầm chiếc điện thoại cũ, kỷ vật người con để lại rồi khóc. Đã nhiều tháng trôi qua, nỗi đau cơn bão để lại chưa nguôi một chút nào.

Mẹ của Đi thẫn thờ khi nhắc đến con

"Ngoài sức tưởng tượng" là mô tả của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh về cơn bão Damrey khi nó đổ bộ vào Khánh Hòa. "Địa phương rất ít khi có những cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp nên người dân thiếu kinh nghiệm ứng phó. Ngoài ra, họ còn chủ quan trước mức độ nguy hiểm của bão", ông Vinh nói.

Theo Chủ tịch Khánh Hòa, người dân cũng còn có tâm lý giữ tài sản. Rất nhiều hộ nuôi thủy, hải sản trên các lồng bè không chịu vào bờ mà túc trực tại đấy gây nguy hiểm tới tính mạng.

Khi đi thực tế lúc bão và sau bão, lãnh đạo tỉnh thấy có rất nhiều nhà thờ ơ với bão. Bởi, những hộ chằng chống nhà cửa bằng bao cát, gia cố dây nhựa kỹ thì không sao; còn các gia đình không chịu chằng chống, bị tốc mái.

"Tại một số địa phương, chính quyền đưa dân vào nơi an toàn tránh trú nhưng khi bão vừa tan họ lại ra lồng bè, kiểm tra tài sản. Lúc ấy, gió còn rít liên hồi, rất mạnh khiến nhiều người gặp nạn", Chủ tịch Vinh kể.

Hồi năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Rơi vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng cùng với số tiền dành dụm từ các vụ trước nữa cũng hơn tám tỷ đồng, vợ chồng đầu tư vào tôm hùm trên vịnh Vân Phong.

Chồng sáng đến bè kiểm tra, chiều vào đất liền, rất ít khi ở lại. Mấy cơn bão trước, một vài lồng bị hư, thiệt hại chẳng là bao nhưng thường bị người ta lặn lấy đi. Hôm trước bão, chồng bà ra bè kiểm tra tôm. Đến chiều, con trai gọi điện, bảo bố về vì khả năng bão lớn sẽ nguy hiểm, nhưng ông không chịu. Phần vì tài sản đầu tư quá lớn, nghĩ nằm trong vịnh sẽ được che chắn và có ba người đang túc trực tại bè nên ở lại.

Tới khuya, gió kèm mưa lớn. Ông Liêm gọi về cho vợ và con trai dặn hai mẹ con ở nhà, đừng ra ngoài. Rồi nói, mai bão tan anh vào.

5h10, bão giật dữ dội. Thấp thỏm không yên, người vợ gọi cho chồng chỉ nghe tiếng gió ù ù, câu được câu mất, chỉ loáng thoáng bè bị sóng đánh vỡ. Rồi bất ngờ, liên lạc mất dù hai mẹ con bà cố gọi nhiều lần.

Điện thoại ba người làm cũng tương tự. Đó là lần cuối cùng bà nghe giọng chồng.

Bà Rơi bên di ảnh của chồng

Bão lũ làm 107 người chết, 16 người mất tích. Riêng Khánh Hòa có 44 người chết. Hơn 3.200 nhà sập; 120.000 nhà tốc mái; 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Trong đó, tại Bình Định, chín tàu hàng cỡ lớn bị chìm khi không thể vào cảng trú bão. Theo thống kê các địa phương thiệt hại hơn 22.600 tỷ đồng.

Damrey và sự bất ngờ của người dân Khánh Hòa chỉ là bằng chứng mới nhất cho những thảm kịch mà biến đổi khí hậu đã và sẽ có thể mang lại tại Việt Nam.

Phía trên là biểu đồ mô tả sự thay đổi của lượng nước mưa tại Việt Nam từ năm 1958 đến năm 2007. Nhìn vào đây, có thể thấy trong 50 năm qua, vùng duyên hải Nam Trung Bộ là nơi có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất: mực nước mưa tại Phú Yên và phía bắc Khánh Hòa tăng nhiều nhất, từ 20-40%.

Ngược lại với xu hướng mưa nhiều tại vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ, mực nước mưa tại nhiều vùng phía Bắc đang giảm mạnh trong nửa thế kỷ qua.

Điểm màu xanh đậm trên biểu đồ vô tình trùng với khu vực tàn phá của bão Damrey là một điều đáng suy nghĩ: cơn bão lớn chưa từng có trong 20 năm qua này, là điều bất ngờ hay là một diễn tiến có thể dự đoán của biến đổi khí hậu?

Trong vòng 5 năm qua, thiên tai Việt Nam liên tiếp lập những kỷ lục mới về mức độ tàn phá, với những diễn biến rất khó lường. Năm 2017, thiệt hại do 14 cơn bão và các đợt mưa lũ lên đến 2,6 tỷ đôla. Tính riêng bão Damrey đã gây hại khoảng 1 tỷ đôla. 

Phía Bắc mưa kéo dài hơn một tháng, lũ càn quét tan hoang Mường La, Mù Cang Chải. Miền Trung lũ dồn dập đổ về, tất cả hồ và sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đều đầy nước. Bão đổ vào Nam Trung Bộ, khu vực nơi 20 năm không có bão. Ngay tại thủ đô, nước lũ "hồi hương" sau 10 năm khiến vùng ngoại thành ngập trắng khi đê vỡ.

Người dân cả nước cũng đã trải qua một mùa hè khủng khiếp. Vào ngày 5/6, Hà Nội cùng các thành phố Tây Nam Á như New Delhi, Islamabad, Medina là những điểm nóng nhất thế giới khi nhiệt độ đạt mức 42 độ C. Đó là nhiệt độ đo trong lều khí tượng. Thực tế ngoài trời, nhiệt độ đo được ở mặt đường, vào giữa trưa, xấp xỉ 60 độ C.

Đường bờ biển dài, khiến Việt Nam nằm trong số những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu. 

Có một kịch bản xấu dành cho nước ta vào cuối thế kỷ 21. Đó là nếu nước biển dâng 1m, thì gần 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long; 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung sẽ chìm trong nước. Sinh kế của 20-30 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Quốc gia nông nghiệp sẽ mất đi 10% GDP.

Kịch bản mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mức toàn cầu, của phía Nam sẽ cao hơn phía Bắc. Sau hơn nửa thế kỷ, những cơn bão mạnh có sức gió giật cấp 12 trở lên hướng vào Việt Nam đã tăng. Mùa bão kết thúc muộn hơn và đường đi của bão dịch chuyển dần về phía Nam. Damrey là một ví dụ.

Trong bối cảnh chung đó, Chính phủ đã có nhiều hành động. Cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt "Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020".

Hơn 15.800 tỷ đồng sẽ được chi cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng và phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, nhằm hấp thụ 2 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Xây dựng, nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập điều tiết nước, kiểm soát mặn, hệ thống giám sát biến đổi khí hậu.

Thay đổi nhiệt độ tại Việt Nam từ năm 1958-2007

Hai năm trước, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam, cần "hành động không hối tiếc" vì sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc đưa ra giải pháp công trình với các dự án "không hối tiếc" được coi là một cách để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để "giữ đất, giữ nước, giữ con người" đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ quyết định sẽ chi 1 tỷ USD "giải cứu". Số tiền này sẽ được giải ngân để xây dựng các công trình, xử lý sạt lở, chống ngập mặn.

Thực tế, những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Chính phủ đã được triển khai từ nhiều năm trước. Cuối 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách với tổng kinh phí 19.000 tỷ đồng để ứng phó biến đổi khí hậu. Giai đoạn trung hạn, tập trung 15.000 tỷ vào xây dựng hồ tích trữ nước ngọt, bảo vệ rừng phòng hộ, đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, di dân khỏi vùng nguy hiểm...

Nhưng có những bằng chứng cho thấy sự cảnh giác vẫn chưa đủ mạnh. 

Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, với bão Damrey, công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó được tiến hành kỹ càng, nhưng thiệt hại lớn thì "khó lý giải".

Ông Hoài nhận định, Khánh Hòa nhiều năm không có bão lớn; TP Nha Trang được bọc bởi dãy núi quanh vịnh, nên dẫn tới tâm lý chủ quan của một số người. Nhiều cấp chính quyền và người dân còn chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Điều này đã khiến bão Damrey "đặc biệt nghiêm trọng".

Ở Bình Định, chủ tịch tỉnh Hồ Quốc Dũng nói, theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Quy Nhơn chỉ có thể tránh trú bão tối đa 30 tàu. Tại thời điểm bão Damrey đổ bộ, số lượng lên tới 104 tàu hàng, trong đó nhiều tàu công suất lớn neo đậu ở cảng Quy Nhơn và nhiều tàu vãng lai vào không xin phép.

"Cảng vụ bố trí được 53 tàu vào khu vực tránh trú bão, còn 51 tàu phải neo ở phao số 0". Rạng sáng ngày 4/11, có 8 tàu chìm, 10 người chết và 3 người mất tích.

Ông Nở khóc khi nghĩ về đứa con đã mất trong bão

"Chừng nào ba mẹ đưa con về" - hai đứa nhỏ liên tục hỏi chị Tính.

Nhà anh chị Tính sửa cách đấy ít năm, từ tiền dành dụm làm thuê cho các đìa nuôi ốc hương. Nhà sát biển, mỗi năm bão đều đến, nhưng chưa bao giờ họ nghĩ rằng mình có thể rơi vào cảnh mất nhà. Gió rít dữ dội đã kéo sập nhà cùng móng phía trước, mái hiên đổ theo.

Gia đình chị đi ở nhờ, hai đứa con lạ nhà không ngủ được. Đứa con út 5 tuổi đêm nào cũng khóc. Sau bão, ốc hương cũng chết nhiều, khiến công việc của hai vợ chồng lận đận hơn.

"Chúng tôi cố gắng làm, rồi dành dụm dựng lại", chị Tính ngậm ngùi nói. 

"Cố gắng dựng lại" là cách mà những người dân những vùng nhạy cảm với thiên tai đã lầm lũi vượt qua số phận, khi nhà cửa, gia sản bị cuốn trôi năm này qua năm kia. Nhưng với nhiều nơi, như Khánh Hòa, người dân ở đây đối mặt với một thực tế chưa từng có: từ nay, họ biết rằng những cơn bão có thể cuốn phăng ngôi nhà của mình. Họ sẽ phải xây cất cách khác, chuẩn bị cách khác, sống cách khác để ứng phó với sự biến đổi của thời tiết.

Bão Damrey cùng với những lời thảng thốt "không ngờ" của nạn nhân là lời cảnh báo rằng bất kỳ điều gì cũng có thể diễn ra trong biến đổi khí hậu. 

"Tự cứu mình trước khi trời cứu" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các địa phương hồi tháng 9 năm nay. Cả một quốc gia, trước biến đổi khí hậu, cũng đang cần chuẩn bị một cách vận hành khác.

Bài: Xuân Ngọc - Hoàng Phương - Đức Hoàng
Ảnh: Xuân Ngọc - Ngọc Thành
Đồ họa: Tiến Thành - Việt Chung