Nửa đêm, anh Nguyễn Lê Tuấn Anh (xã Bầu Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng nhóm bạn 3 người rời nhà đi tìm nấm mối. Đồ nghề là những chiếc đèn pin, túi nylon và xô nước đá. Họ chạy xe máy qua những con đường ngoằn ngoèo và dừng lại ở một cánh rừng cao su bạt ngàn cách nhà hơn 5 km.
Giữa màn đêm bao phủ, trong những lùm cây, tiếng kêu khèn khẹt của những chú sóc bông, lũ muỗi kêu vo ve bên tai rồi hung hăn lao vào đốt ngứa, sưng tấy mình mẩy. Nhóm của Tuấn Anh nhanh chóng bật đèn pin rồi tỏa đi tứ phía. Họ dò dẫm, tay cầm khúc gậy lật mở lớp lá cao su, khóm cỏ dại tìm kiếm.
Tuấn Anh cho biết, vào khoảng đầu tháng 5 tới giữa tháng sáu (âm lịch), khi những cơn mưa bắt đầu đổ xuống rừng cao su sẽ có nấm. "Nhưng không phải lúc nào trời mưa cũng có đâu, chỉ khi nắng gắt bỗng cơn mưa to ập xuống rồi trở nắng khiến tiết trời trở nên oi bức thì lúc đó nấm mới mọc rộ. Cánh đi săn lâu năm nhận biết được điều này. Như đêm nay đi thì... hên xui", Tuấn Anh nói.
Rạng sáng, nấm đội đất nhú lên và bung dù khi trời ló dạng nên phải chạy đua với thời gian để kịp nhổ. "Không phải ai đi săn cũng gặp được nấm, người đi cả mùa chỉ tìm thấy vài kg, có người nhổ được cả chục kg một đêm. Cũng tùy duyên nữa, bởi có khi bước qua, thậm chí giẫm lên ổ nấm mà không hay biết, người sau thấy ụ nấm to, nhổ được bọc nấm to", Tuấn Anh cho biết.
Ở bìa rừng xa, người tên Tèo khua vòng tròn trên tán cao su báo hiệu đã tìm thấy ổ nấm. Cả nhóm tiến lại dùng tay gạt lớp mặt đất đỏ lộ ra hàng trăm cây nấm búp. Thân cây nấm cắm dưới đất cứng, họ dùng những cành cây đầu nhọn thọc xuống bẫy cây nấm lên. Khi lớp đất tan ra, hàng nghìn con mối bò lúc nhúc. Lấy hết ụ nấm, Tuấn Anh đánh dấu lại vị trí.
"Điều lạ là nếu dùng dao, xẻng hay bất cứ dụng cụ gì bằng kim loại để bẫy thì năm sau nấm sẽ bỏ đi mất. Còn dùng cây que thì năm sau chắc chắn sẽ có nấm mọc trở lại ngay vị trí đó", Tuấn Anh giải thích.
Nằm rừng canh nấm mọc
Suốt 2 giờ sau đó, băng qua hàng cây số, mọi người chỉ phát hiện toàn những ổ nấm độc và rắn thân khoan đen trắng lao vút qua trước mắt. Giữa những cánh rừng cao su phía xa, ánh đèn nhập nhoạng rồi mất hút. Trên đường trở về, nhóm Tuấn Anh đào được ổ nấm mối gần 2 kg ở vị trí trước đó đi qua nhưng không phát hiện được.
"Những ngày nấm nở rộ, cánh đi săn chuyên nghiệp đổ xô vào rừng đông như đi hội", Nguyễn Bình, người trong nhóm nói và cho biết, giới săn nấm mối cũng có luật bất thành văn là ai phát hiện ổ nấm mối đầu tiên thì người đó được nhổ, dù là ổ to hay nhỏ thì những người đến sau không được nhổ dù chỉ một cây. Nấm thường mọc ổ, từ hai đến năm ụ to nhỏ khác nhau, cho từ ba lạng đến vài kg nấm.
Ông Lê Sơn (người nhổ nấm chuyên nghiệp ở huyện Long Điền) bới theo thực phẩm khu rừng giáp ranh giữa Xuyên Mộc và Bình Thuận cắm trại hơn tuần nay. Đây là "lãnh địa" nấm mối của ông nhiều năm nay.
Đầu mùa, ông Sơn nhổ được hơn 100 kg nấm mối và bỏ túi hơn 40 triệu đồng. "Thời điểm nấm nhổ được rất nhiều thì giá bán cho thương lái rớt xuống 300-350 nghìn đồng mỗi kg. Lúc nấm khan hiếm, giá hơn một triệu đồng mỗi kg nên chấp nhận nằm gai nếm mật'", ông nói và cho biết, có nhiều thợ săn cũng đang nằm rừng chờ vận may đến giống như ông.
Nấm mối dùng để chế biến rất nhiều món như nấu cháo, xào, canh, kho... rất ngon. Nấm mối chủ yếu có ở phía Nam, trong đó nấm mọc ở đất đỏ bazan ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Thuận thân mập, giòn và vị ngọt đặc biệt nên được thương lái thu mua với giá cao hơn so với những nơi nấm mối mọc ở các loại đất khác.
Nguyễn Khoa