Ba bức tranh sơn mài nằm trong 24 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia cuối năm 2017.
Bức sơn mài Bình phong
Bức bình phong sơn mài được họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) sáng tác năm 1939, gồm 8 tấm ghép lại thành bức tranh khổ lớn (159x400 cm), một mặt là tranh Thiếu nữ trong vườn, mặt còn lại thể hiện tranh Dọc mùng.
Mặt thứ nhất vẽ nhóm nhân vật có dáng vẻ, tinh thần thư nhàn trong không gian hòa quyện thiên nhiên cảnh vật. Toàn thể bức họa có nền vàng lộng lẫy, vừa toát lên không khí lễ hội vừa có nét lãng mạn trữ tình đặc trưng phương Đông. Mặt thứ hai diễn tả các lớp lá khoai, lá chuối, hoa, họa tiết sáng trên nền sẫm.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, tác phẩm bình phong có sự hòa quyện chặt chẽ giữa các giá trị hội họa hiện đại phương Tây và tinh thần thẩm mỹ Á Đông cùng với phẩm chất đặc trưng của nghệ thuật sơn mài dân tộc, vừa lộng lẫy vàng son, vừa lung linh đằm thắm.
Trước năm 1975, bức tranh Dọc mùng của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí được đặt tại một dinh thự của Ngô Đình Diệm ở Đà Lạt. Sau giải phóng, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Mỹ thuật đã mất nhiều công sức tìm và đưa tranh khổ lớn về TP HCM rồi mang ra Bắc lưu giữ.
Cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là bậc thầy lớn về sơn mài, người đã có công đưa chất liệu và kỹ thuật sơn ta truyền thống, vốn trước đó chỉ dùng làm hàng mỹ nghệ, vào tác phẩm mỹ thuật, được mệnh danh là "vua sơn mài".
Bức bình phong chứng minh tài nghệ bậc thầy của Nguyễn Gia Trí trong sử dụng các chất liệu, kỹ thuật đặc thù của sơn mài. Ông vừa tạo ra cảm giác hiện thực, vừa đưa người xem vào một không gian huy hoàng, sang quý chỉ có trong hội họa sơn mài, tạo nên nguồn cảm hứng và là hình mẫu để nhiều họa sĩ sơn mài thế hệ sau này nghiên cứu, học tập.
Bức tranh sơn mài "Gióng"
Bức tranh sơn mài được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) sáng tác năm 1990, khổ 90x120cm, khắc họa nhân vật dân tộc Thánh Gióng với ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật lập thể, vị lai, xen lẫn các họa tiết, hoa văn Đông Sơn như rìu đồng, lá chắn ngực, văn hình zíc zắc, văn hình vòng tròn đồng tâm…
Hình tượng Gióng với trang phục thường thấy ở các nhân vật thuộc nghệ thuật Đông Sơn: cởi trần, đeo tấm chắn ngực, phần thân dưới bên ngoài lớp khố là những lớp xẻ vạt trước sau. Trang phục màu vàng nhạt, điểm sắc ghi ánh cam, trắng… hòa cùng với sắc ghi xám bạc của con ngựa sắt tạo thành một mảng sắc trung gian điềm tĩnh trên nền son nhạt nóng ấm. Các vệt, chấm đỏ, vệt đen sậm như tia chớp ẩn hiện, khéo léo lồng phía trước và sau tranh làm chặt bố cục và nâng đỡ sức bay của hình tượng.
Bức tranh được giới nghệ sĩ đánh giá có giá trị nghệ thuật đặc sắc và ý nghĩa đề cao sức mạnh văn hóa, tinh thần của truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Tranh sơn mài Gióng của tác giả Nguyễn Tư Nghiêm từng giành giải nhất trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990. Ngay sau khi trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, Bảo tàng Mỹ thuật đã mua lại bức tranh này, hiện nay còn giữ được giấy thông báo mua tác phẩm gửi họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, trên đó có lưu bút và chữ ký đồng ý bán tranh của họa sĩ.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm quê tại Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 19 tuổi, ông thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 15, học cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình. Ông ghi danh vào bộ tứ của hội họa hiện đại Việt Nam thế kỷ 20 Phái - Sáng - Liên - Nghiêm (tức Bùi Xuân Phái - Nguyễn Sáng - Dương Bích Liên và Nguyễn Tư Nghiêm).
Bức sơn mài "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc"
Bức tranh được danh họa Dương Bích Liên (1924-1988) sáng tác năm 1980, khổ 99,8x180cm. Năm 1952, họa sĩ Dương Bích Liên được cử đi vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc. Sau gần 30 năm, họa sĩ đã ghi chép và khắc họa nhiều tác phẩm có giá trị.
Trong bức sơn mài Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, họa sĩ Dương Bích Liên dựng lên không gian núi rừng, trời nước bao la. Hồ Chủ tịch cùng con ngựa núi đang chuẩn bị qua suối, ngựa đóng yên, người áo nâu túi vải, bình tĩnh chuẩn bị vượt qua dòng lũ cuộn chảy. Hình tượng Hồ Chủ tịch tầm thước, giản dị bên con ngựa trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng như một ông tiên.
Theo đánh giá của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh này có bố cục phá cách hiện đại, cấu trúc tạo hình cô đọng với những mảng lớn, không gian đơn giản. Chất liệu sơn mài truyền thống nhưng đã có những tìm tòi mới cùng với cách tạo hình hiện đại, đem lại hiệu quả vừa khúc triết, tinh tế vừa lãng mạn Á Đông cho tác phẩm.
Tranh Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đã đạt giải thưởng cao nhất trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Sau khi trưng bày tại triển lãm, bức tranh được Viện Bảo tàng Mỹ thuật mua lại ngày 14/1/1981.
Tác giả Dương Bích Liên, quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, từng học Trường Mỹ thuật Đông Dương; hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1957. Tác phẩm của của ông giàu chất hiện thực lãng mạn, thể hiện được vẻ đẹp tiềm ẩn của con người, thiên nhiên Việt Nam thông qua bút pháp tinh tế.