Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 10h sáng, tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 120-140 km, sức gió mạnh nhất 50 km/h, cấp 6. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật tăng hai cấp khoảng 50 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Ngày và đêm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ chậm chỉ 5 km mỗi giờ. Đến 10h ngày mai, tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh, sức gió duy trì 50 km/h, cấp 6. Vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa giông, gió giật cấp 8, sóng biển cao 2-3 m.
Trong hai ngày tới, áp thấp nhiệt đới theo hướng Tây Tây Nam, tiến sâu vào đất liền Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và tan dần. Các tỉnh ven biển miền Bắc, nam đồng bằng Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ có mưa lớn.
Một áp thấp nhiệt đới khác đang tiến vào biển Đông
Cơ quan khí tượng cho biết, sáng nay trên vùng biển Đông Bắc đảo Luzon (Philippines) xuất hiện một áp thấp nhiệt đới. Khả năng hôm nay nó sẽ di chuyển rất nhanh theo hướng Tây, tốc độ 30 km mỗi giờ và vào bắc biển Đông.
Đến 7h ngày mai, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Hải Nam khoảng 650 km về phía Đông, sức gió tối đa 60 km/h (cấp 7). Bắc biển Đông từ đêm nay sẽ có mưa giông, biển động mạnh.
Dự báo hai ngày tới, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, hướng vào vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh ven biển Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Nguy cơ ngập lụt, lũ quét ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ
Hai ngày qua, do dải hội tụ nhiệt đới và áp cao cận nhiệt đới chi phối, miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to. Chỉ trong 12 giờ (từ 17h ngày 15/7), lượng mưa tại Ba Lạt (Thái Bình) lên tới 200 mm, Hà Tĩnh 100 mm, Khe Sanh (Quảng Trị) hơn 80 mm.
Lũ trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long và sông chính từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đang lên, trong đó biên độ lũ các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị khoảng 3-5 m. Đỉnh lũ sẽ dưới báo động 1.
Vùng núi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đối diện với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Vùng trũng và đô thị ở Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội và từ Thanh Hóa đến Quảng Trị nhiều khả năng bị ngập lụt.