Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho hay, chiều 24/9 áp thấp nhiệt đới đã tiến sát tới phía đông nam đảo Hải Nam, Trung Quốc. Dự kiến, sáng và trưa 25/9, áp thấp nhiệt đới sẽ vượt qua đảo Hải Nam và đi vào vịnh Bắc Bộ.
Từ sáng mai (25/9) ở bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 6, trưa và chiều mai tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2-3 m, biển động mạnh.
Sau khi vào vịnh Bắc Bộ, áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió cấp 6, giật cấp 8; sau đó đi sâu vào các tỉnh Đông Bắc và suy yếu thành một vùng áp thấp. Từ chiều mai (25/9), đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8.
Hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa to cho các tỉnh ở phía đông Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Thời gian mưa tập trung từ sáng mai và kéo dài đến hết ngày 26/9 với lượng phổ biến 50-100 mm, riêng khu Đông Bắc có nơi trên 150 mm.
Mưa có khả năng gây ra đợt lũ trên thượng lưu sông Lô và sông Thái Bình với biên độ lũ lên 1-2 m (đỉnh lũ trên các sông đều ở dưới mức báo động 1). Nguy cơ xuất hiện sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai.
Từ ngày 27/9, khi hoàn lưu vùng áp thấp tan đi, Bắc Bộ trời dứt mưa và chuyển nắng trở lại.
Cơ quan khí tượng cho hay, từ tháng 10 đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, tập trung ở giữa và nam biển Đông. Trong số đó có 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam và tập trung ở Trung Bộ, Nam Bộ. Ngoài ra, trong các tháng cuối năm, do hoạt động của rãnh thấp xích đạo, vùng biển giữa và nam biển Đông, vùng biển phía Tây có thể xuất hiện mưa giông mạnh kèm tố, lốc và gió giật. Hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì pha trung tính trong các tháng cuối năm 2017, khả năng xuất hiện La Nina tăng dần vào đầu năm 2018. |
Xuân Hoa