Tối 13/10, lũ đang khiến năm xã tại Nghệ An bị cô lập, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Sáu điểm trường học phải cho học sinh nghỉ. Mực nước trên sông Cả qua huyện Nam Đàn (Nghệ An) đo được 6,42m (dưới mức báo động hai 0,48m).
Bốn ngày qua, toàn tỉnh có 9 người chết, trong đó có một trường hợp bị điện giật chết do bất cẩn, những nạn nhân còn lại bị lũ cuốn. Lũ đã làm bốn nhà bị sập, hơn 370 nhà bị hư hỏng, trong đó có 9 điểm trường học. Hàng chục điểm tại đường tỉnh lộ và quốc lộ trên địa bàn bị sạt lở taly. Nhiều điểm nước dâng cao khiến phương tiện không thể lưu thông...
Hệ thống đê Tả Lam ven sông Cả đang được trực 24/24h ở mức báo động. Đê sông Vinh tại phường Vinh Tân (TP Vinh) đang bị sạt ở nghiêm trọng đe dọa hàng nghìn hộ dân. Hôm nay 500 công an, quân đội cấp tập đóng cọc tre, khênh bao cát để gia cố nhưng chưa hoàn chỉnh.
Hiện, hơn 600 hồ đập đã đầy nước. Hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 198,61m thấp so với mức dâng bình thường 200m.
Nhằm ứng phó với mưa lũ và diễn biến của báo Khanun đang hướng vào đất liền, chiều 13/10 Chủ tịch tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn với nhiều cơ quan yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tích nước hồ hợp lý. Mỗi công trình hồ đập phải có hai người thường xuyên canh gác...
Từ ngày 10/10, Nghệ An mưa lớn do nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Lượng mưa đo được tại thành phố Vinh khoảng 401 mm; huyện Nam Đàn 354 mm; Thanh Chương 392 mm...
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10. Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Đến hết hôm qua, mưa lũ làm 55 người chết, 38 người mất tích, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa. |