Sáng nay, tâm bão Hà Tĩnh trời hửng nắng, rốn ngập Hương Khê nước đã rút. 43.000 hộ dân các huyện ven biển, vùng trũng thấp lục tục từ nơi trú ẩn trở về dọn dẹp nhà cửa. Trên những con đường làng, bà con tấp nập đi mua tôn, ngói xi măng lợp lại nhà vì toàn tỉnh có tới 69.000 nhà tốc mái, hư hỏng.
Vì điện lưới mất, lương thực bị mưa bão làm ướt, bữa trưa nay của nhiều gia đình vẫn là mì tôm, lương khô được phát từ hôm qua ở nơi tránh bão.
Tâm bão Quảng Bình sáng nay trời cũng hửng nắng. Dọc đường Quang Trung ở TP Đồng Hới, cành cây gãy đổ còn chất đống. Nhiều ngõ phố vẫn ngổn ngang cây đổ, mái tôn, khung sắt rơi, bà con chỉ dẹp tạm để tạo lối đi.
Hàng quán, chợ đã mở, riêng học sinh chưa trở lại trường vì trường học được trưng dụng làm nơi trú tránh bão.
Dọc đường từ TP Đồng Hới đến thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch), hàng trăm nhân viên điện lực đang dựng lại cột điện, kéo dây. Với 2.600 cột bị đổ, ngành điện phải mất nhiều thời gian khôi phục.
Thống kê từ các địa phương, đến sáng 16/9, bão làm 8 người chết ở các tỉnh Thanh Hóa (1), Nghệ An (2), Quảng Bình (2), Thừa Thiên Huế (1), Hà Tĩnh (2). Nguyên nhân chủ yếu là ngã trong lúc chằng chống nhà cửa trước bão.
Cơn bão với sức gió mạnh 133 km/h (cấp 12) đã giật sập 33 ngôi nhà, làm hơn 120.000 nhà khác tốc mái, chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ngoài ra, trên 6.200 nhà bị ngập ở Hải Phòng (700), Nghệ An (65), Hà Tĩnh (gần 4.000), Quảng Bình (1.500) và Quảng Trị (17).
Cột truyền hình, viễn thông cao hơn 100 m tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đổ sập. Hàng nghìn cột điện hạ thế bị đổ gãy gây mất điện trên diện rộng tại 9 tỉnh với 1,3 triệu khách hàng.
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam, đến 5h ngày 16/9 sự cố lưới điện cơ bản được khắc phục. Riêng tỉnh Quảng Bình mới khôi phục được ở trung tâm thành phố Đồng Hới.
Do toàn bộ tàu thuyền trong khu vực ảnh hưởng đã được chỉ dẫn đến nơi trú ẩn nên thiệt hại không lớn, có 10 tàu chìm (Quảng Ngãi 4 tàu; Quảng Bình 6 tàu).
Về nông nghiệp, diện tích lúa mùa cơ bản được thu hoạch trước khi bão đổ bộ nên chỉ thiệt hại về hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.000 ha.
Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, sạt lở đất; hướng dẫn đưa người dân đã sơ tán trở về nhà đảm bảo an toàn; xem xét tháo dỡ lệnh cấm biển để khôi phục sản xuất trở lại bình thường...
Quảng Bình ngổn ngang sau bão.
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines, Doksuri đã vượt qua quần đảo này, vào biển Đông sáng 13/9 với sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8). Là cơn bão trẻ, không gặp cản trở lớn, bão tăng cấp rất nhanh. Sớm 14/9, bão tăng lên cấp 10 và tối cùng ngày cấp 12 (133 km/h). 10h ngày 15/9, bão đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12). Các địa phương lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị cũng bị ảnh hưởng. Đây là cơn bão mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, cấp độ rủi ro thiên tai 4. |