Ngày 1/2, phát biểu tại hội nghị mời gọi đầu tư giải quyết tình trạng này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nói rằng, tuy thành phố là đô thị đặc biệt và là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng đang đối mặt nhiều thách thức. Trong đó có việc còn tồn tại khoảng 20.000 căn nhà "ổ chuột" ven kênh rạch.
"Đây là nỗi day dứt, trăn trở của lãnh đạo thành phố nhiều thời kỳ qua. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ di dời, tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 hộ dân này, đòi hỏi phải có chủ trương xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư để giảm gánh nặng ngân sách", ông Tuyến nói.
Ông Trần Trọng Tuấn (Giám đốc Sở Xây dựng) cho biết, trong 20 năm qua TP HCM đã xóa được 36.000 nhà ven kênh rạch nhưng hiện vẫn còn từng đó căn. Riêng quận 8 có nhiều nhất - hơn 9.800 căn, tập trung chủ yếu ở bờ Bắc và Nam kênh Đôi. Quận Bình Thạnh còn hơn 1.800 căn tại rạch Xuyên Tâm và Văn Thánh. Quận 7 có hơn 1.700 căn tập trung tại ao Song Tân...
Theo kế hoạch, thành phố sẽ chia làm ba nhóm triển khai di dời nhà ven kênh, chỉnh trang đô thị. Trong đó, nhóm một sẽ sử dụng vốn ngân sách thực hiện tại những rạch nhỏ, không có giá trị thương mại, không thu hút được đầu tư. Nhóm này gồm 52 dự án với khoảng 14.400 căn; kinh phí bồi thường, tái định cư gần 22.400 tỷ đồng.
Nhóm hai được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tập trung tại ba tuyến kênh, di dời khoảng 1.800 căn, kinh phí dự kiến hơn 2.700 tỷ.
Riêng nhóm ba thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 6 dự án tại quận Bình Thạnh, 8 và 7 - di dời hơn 6.200 căn, kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. "Nhà đầu tư được mời gọi tham gia chỉnh trang đô thị, sau đó được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh hoặc dự án khác để thu hồi vốn", ông Tuấn nói.
Về nguồn vốn chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2015-2020, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Sử Ngọc Anh ước tính cần khoảng 25.700 tỷ đồng nhưng ngân sách thành phố chỉ cân đối được 10%, cần huy động xã hội hóa hơn 23.000 tỷ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM – nhắc lại việc một số kênh như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé – Tàu Hủ đã xanh trở lại sau hàng chục năm ô nhiễm. Trước thực trạng tồn tại vô số nhà lụp xụp ven rạch ô nhiễm còn lại, ông mong muốn đẩy nhanh chương trình di dời nhà "ổ chuột", giúp thành phố bảo tồn ký ức "trên bến dưới thuyền" hay những không gian đô thị hiện đại bên dòng kênh đúng với hình ảnh văn minh sông nước Nam Bộ.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc chỉnh trang các con kênh trước đây thực hiện bằng vốn vay quốc tế và ngân sách nhà nước, trong khi những công trình chỉnh trang hiện tại đều theo hướng xã hội hóa. Hình thức này sẽ phức tạp hơn, sự đối kháng giữa quyền lợi nhà đầu tư và người dân, cảnh quan đô thị ven kênh sẽ lớn hơn rất nhiều.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, mục tiêu phải giải tỏa hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch là rất khó, song thành phố đã có sẵn chủ trương, giải pháp cũng như quyết tâm thì chắc chắn sẽ thực hiện được.
"Tôi cũng muốn các đơn vị làm quy hoạch, chỉnh trang đô thị tổ chức một đợt tập huấn cho cán bộ. Thành phố sẽ mời những chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc từng có kinh nghiệm trong việc chỉnh trang đô thị rất thành công đến chia sẻ", ông Nhân nói.
Duy Trần