9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại sau 3 tháng xả cửa cho xe qua miễn phí. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng.
Để không bị "thất thủ" như khi đi vào hoạt động hồi tháng 8, chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã chuẩn bị kỹ lưỡng, làm thêm hai bãi xe rộng 800 m2, chứa khoảng 40-50 xe. Những ôtô trả tiền lẻ sẽ không dừng ở các làn đường, mà được mời vào bãi giải quyết.
Chủ đầu tư cũng tăng cường nhân viên bảo vệ lên gấp đôi so với ngày thường, khoảng 50 người. Hàng chục cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động cùng xe cứu thương, chữa cháy có mặt từ sáng sớm. Cạnh trạm, nam cán bộ xã liên tục phát loa yêu cầu tài xế "chấp hành chủ trương thu phí", không gây rối loạn.
Sau hơn 3 giờ hoạt động, nhân viên BOT Cai Lậy không gặp phản ứng nào gay gắt. Nhiều tài xế còn trêu ghẹo nữ nhân viên thu phí, bảo "anh hết tiền lẻ rồi". Chỉ có vài trường hợp tài xế trả tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng được mời vào bãi xe giải quyết, nhưng không quá căng thẳng.
Có mặt tại khu vực trạm, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, lạc quan: "Đến thời điểm này chưa có vấn đề gì, mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp".
Nhân viên trạm bối rối khi tài xế đòi 100 đồng
Khoảng 30 phút sau, thay vì vào bãi trả tiền lẻ, một số tài xế trả 24.500 đồng và ba tờ mệnh giá 200 đồng để mua vé 25.000 đồng qua trạm ngay tại cabin. Họ kiên quyết đòi nhân viên phải thối 100 đồng, không nhận thừa, mới chịu qua trạm. Sau lúc bối rối, nhân viên nói không có 100 đồng. Cảnh đôi co hai bên diễn ra gay gắt làm xe cộ ùn ứ kéo dài gần 2 km trên quốc lộ 1.
Giữa cái nắng gay gắt, CSGT từ chỗ bám chốt hỗ trợ khi cần thiết đã phải liên tục xuống làn đường nhắc nhở tài xế, yêu cầu chạy ôtô vào bãi xe để giải quyết nhưng bất thành. "Chúng tôi phản đối trạm là vì vị trí bất hợp lý chứ không phải do giá vé. Anh em tài xế sẽ tiếp tục đấu tranh với nhà đầu tư", tài xế Võ Thanh Hào (quê Tiền Giang) cầm xấp tiền lẻ 200 đồng, nói.
Một ôtô không đồng ý vào bãi, bị cẩu đi. Tuy nhiên, nhiều tài xế liền "tiếp ứng" đồng nghiệp, làm xe cộ ùn tắc kéo dài, khiến kịch bản chuẩn bị suốt 3 tháng của chủ đầu tư gần như bị "phá sản". 12h45, BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm.
Một giờ sau, khi quốc lộ thông thoáng, các nhân viên nhận lệnh trở lại cabin bán vé. Nhưng đến khoảng 15h30, tình hình trở nên rối loạn và có dấu hiệu tiếp diễn phức tạp. Các tài xế lại dừng xe trước trạm giở những xấp tiền lẻ. Có bác tài còn mang theo bọc tiền xu và cả tiền chẵn 500.000 đồng.
Tài xế liên tục la hét, bấm còi yêu cầu nhân viên phải nhận đủ tiền lẻ ngay tại trạm, cương quyết đòi thối 100 đồng, hoặc phải xả trạm. CSGT liên tục mời tài xế ra ngoài giải quyết nhưng càng làm cho tình hình căng thẳng thêm. Xe cẩu được điều đến nhưng không thể kéo ôtô đi. Giữa cái nóng hầm hập, hàng trăm tài xế, người dân vây quanh trạm bấm còi, quay phim, chụp hình, vỗ tay khi một ôtô thoát được qua trạm mà không phải trả phí.
Để thu phí tạm thời, nhân viên phải ra cabin bán vé trực tiếp. Một số nhân viên sau đó buộc phải đóng chặt cửa cabin. Tình trạng ùn ứ nặng nề ở cả hai hướng quốc lộ 1. Nhiều bác tài chán nản bỏ xe ra ngoài.
"Tôi chở trứng về Cần Thơ mà bị mặc kẹt ở trạm gần hai tiếng. Hàng hư, trễ thời gian giao, chủ bắt đền thì ai chịu trách nhiệm cho tôi", tài xế Thanh Nhàn (41 tuổi) bực tức.
Một giờ hỗn loạn, hai tài xế bị cảnh sát áp giải
16h30, trạm BOT Cai Lậy chính thức "vỡ trận" khi CSGT thu giấy tờ xe của một tài xế. Hàng trăm người vây quanh nhóm CSGT yêu cầu trả lại giấy tờ, vì cho rằng tài xế không vi phạm luật giao thông.
Hàng chục cảnh sát cơ động được tăng cường để vãn hồi trật tự. Hai tài xế liên quan đến vụ cự cãi với lực lượng giữ gìn trật tự bị cảnh sát áp giải lên xe đặc chủng. Nửa giờ sau, trước áp lực "mưa tiền lẻ" của các tài xế và ùn tắc kéo dài, trạm xả lần hai và thu lại ngay sau 45 phút.
23h cùng ngày, một vài tài xế tiếp tục cự cãi với nhân viên khi qua trạm. Tình hình rối loạn lại tiếp tục diễn ra ngay trong đêm. Như những lần trước, tài xế chuẩn bị nhiều tiền lẻ và đòi thối 100 đồng để mua vé qua trạm thu phí. Nhiều người khác theo sau hò reo.
Sau hơn một giờ đôi co vì không có tiền thối, nhân viên thu phí đành phải đóng cửa, bỏ chốt ra ngoài. Bên ngoài cabin, nhiều tài xế hô hào đòi "xả trạm" hoặc "trả đúng tiền" mới chịu đi. Cảnh sát có mặt thuyết phục nhưng bất thành.
Giao thông hướng từ TP HCM về Cần Thơ tiếp tục tê liệt, phương tiện ùn ứ dài cả cây số trong đêm khuya. Nhiều bác tài mệt mỏi ra ngoài nghe ngóng hoặc ngủ ngay trên xe. Đến hơn 2h30 ngày 1/12, trạm thu phí Cai Lậy xả cửa lần thứ ba sau gần 18 giờ thu phí lại.
Đến trưa nay, trạm BOT Cai Lậy vẫn tiếp tục xả cửa, các nhân viên tại cabin đã được cho nghỉ, chỉ còn khoảng 10 bảo vệ túc trực khu vực trạm. Lực lượng CSGT, cơ động, cảnh sát 113 không còn xuất hiện khu vực này, không khí yên ắng trái ngược với một ngày trước.
Chưa biết khi nào thu phí lại
Trước diễn biến căng thẳng trong ngày trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết sáng nay, chủ đầu tư họp với tỉnh liên quan đến các phương án tiếp theo đối với dự án này. "Tạm thời vẫn xả trạm BOT Cai Lậy, chưa biết khi nào sẽ thu lại", ông Hào nói.
Ông Hào khẳng định giảm giá vé là giải pháp cuối cùng, không thể di dời trạm theo yêu cầu của người dân. "Về lâu dài, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân, tài xế chấp hành theo quy định”, đại diện BOT Cai Lậy nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, sở đang báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Giao thông Vận tải để bàn hướng xử lý trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm. Bộ Giao thông khẳng định vị trí đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 là hợp lý vì nằm trên dự án mở rộng quốc lộ 1 và làm mới tuyến tránh Cai Lậy; vị trí đặt trạm đã được các bộ ngành và địa phương thống nhất. Giữa tháng 8, Bộ Giao thông đã quyết định giảm giá vé. Mức phí qua trạm thấp nhất là 25.000 đồng (mức cũ là 35.000 đồng) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất là 140.000 đồng (mức cũ là 180.000 đồng) mỗi lượt cho xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet. Người dân không kinh doanh vận tải tại 4 xã sống gần trạm thu phí là Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy được miễn phí qua trạm. |
Hoàng Nam - Quỳnh Trần