Ngày 4/4, ông Chử Văn Tráng, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội) cho biết, thành phố có 170 công trình tái định cư đưa vào sử dụng, trong đó 160 công trình là chung cư.
"Các tòa nhà tái định cư trên địa bàn đều đã được đưa vào sử dụng từ 3 đến 5 năm và đều có những vấn đề về phòng cháy, chữa cháy”, ông Tráng thông tin.
Lãnh đạo xí nghiệp quản lý nhà Hà Nội cho hay khi đơn vị tiếp nhận quản lý các công trình trên thì đều có giấy phép PCCC, tuy nhiên đến nay vi phạm phổ biến ở 160 chung cư này là: Hệ thống đường ống, dây dẫn cứu hỏa hỏng; bình cứu hỏa di động không đủ áp suất; hệ thống báo cháy không hoạt động…
Theo ông Tráng, thành phố đã thông qua chủ trương dùng 180 tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục vi phạm về PCCC tại các toà nhà tái định cư. Cụ thể, trước mắt cơ quan chức năng sẽ thay thế, sửa chữa các trang thiết bị hỏng hóc (dự trù 92 tỉ đồng), sau đó là bổ sung các thiết bị mà trước đây chưa có theo quy chuẩn PCCC mới (dự trù 88 tỉ đồng).
Tại buổi họp báo về công tác PCCC chiều 3/4, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 30/3 thành phố đã có văn bản giao đơn vị liên quan chuẩn bị các bước thực hiện đầu tư khắc phục, nâng cấp hệ thống PCCC tại các toà nhà tái định cư.
Thống kê của Sở cảnh sát PCCC TP Hà Nội, năm 2017 và quý I/ 2018, thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ (năm 2017: 820 vụ, quý I/2018: 280 vụ). Trong đó, có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng. Hậu quả khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng và 6,3 ha rừng. Cũng trong thời gian trên, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã thanh kiểm tra gần 38.000 lượt đơn vị, cơ sở, phát hiện và yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục hơn 105.000 tồn tại thiếu sót về PCCC, xử phạt hơn 4.000 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 13 tỷ đồng. |