Sau 26 ngày làm việc, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 14 đã thông qua 6 dự án Luật và nhiều nghị quyết quan trọng về ngân sách, phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế 6,7%
Ngày 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kinh tế xã hội năm 2018. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu của năm tới gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật gây mất trật tự an toàn xã hội.
Quốc hội cũng giao Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sâu và chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản.
Vay 363.280 tỷ đồng để bù đắp bội chi và trả nợ
Với 86,56% đại biểu tán thành, ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Theo đó tổng số thu ngân sách năm 2018 là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1,52 triệu tỷ.
Như vậy, năm 2018 ngân sách Nhà nước được bội chi 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP, cao hơn 0,2% so với năm 2017.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước (vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc) trên 363.280 tỷ đồng.
Phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018
Ngày 14/11, 88,39% đại biểu đã tán thành thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018. Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 753.404 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Chính phủ có trách nhiệm giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, tỉnh, thành phố theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng quyền cho người trực tiếp trồng rừng
Ngày 15/11, Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp (tên gọi mới của Luật bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi).
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Luật lần này khác các Luật trước là không chỉ hình thành rừng (trước đây chú trọng quản lý và bảo vệ, phát triển rừng) mà mở rộng đến thương mại. Đặc biệt là thể chế hóa chiến lược phát triển kinh tế rừng, việc sản xuất rừng quy mô lớn cũng được tính đến với nhiều cách thức, trong đó có tích tụ đất đai.
Trong Luật Lâm nghiệp, từng loại chủ rừng được quy định rất rõ ràng và theo hướng tăng quyền cho những người trực tiếp bỏ công sức ra trồng rừng và bảo vệ rừng.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Ngân hàng quá yếu sẽ được phá sản
Ngày 20/11, với tỷ lệ 88,8% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng.
Đạo luật này bổ sung phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, chuyển giao bắt buộc..., các ngân hàng quá yếu sẽ được phá sản.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Luật sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018. Tuy nhiên các ngân hàng đã được kiểm soát đặc biệt, đang thực hiện phương án xử lý và nhà băng đã được mua lại giá 0 đồng trước đây, vẫn tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Ngày 21/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi), gồm 9 chương, 105 điều, quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; kiểm ngư...
Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản sẽ được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Tiêu chuẩn Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng trở lên
Ngày 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.
Luật quy định tiêu chuẩn của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền làm cơ sở để giới thiệu, tiến cử các cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn làm Đại sứ, không chỉ là những cán bộ của Bộ Ngoại giao mà còn từ các bộ, ngành, cơ quan khác.
Tiêu chuẩn Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng hoặc tương đương trở lên phù hợp với yêu cầu đối ngoại và thực tiễn bổ nhiệm Đại sứ; nhiệm kỳ công tác của Đại sứ là 36 tháng.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa
Ngày 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
Như vậy, thay vì học sách giáo khoa mới từ năm sau theo nghị quyết cũ, học sinh sẽ tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới trong chậm nhất là hai năm tới.
Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông
Ngày 22/11, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Trong giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là hơn 118.700 tỉ đồng, bao gồm: 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và hơn 63.700 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Thống nhất đầu mối quản lý nợ công
Ngày 23/11, với tỷ lệ 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Luật quy định Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, thay vì 3 cơ quan đầu mối (gồm cả Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước) như trước.
Quốc hội giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.
Bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm
Ngày 24/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quy hoạch với 88,19% đại biểu tán thành.
Luật quy định xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.
Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 72 điều quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Chi 23.000 tỷ giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành
Chiều 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 94,3% đại biểu tán thành.
Theo Nghị quyết, diện tích đất thu hồi là gần 5.400 ha, trong đó dành 5.000 ha cho sân bay Long Thành; hơn 282 ha thuộc về khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn; 97 ha của khu tái định cư Bình Sơn; diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.
Với tổng mức đầu tư dự án 22.938 tỷ đồng, Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập trên cơ sở bảo đảm hài hòa với các dự án đã thực hiện trên địa bàn.
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM
Chiều 24/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Theo đó, 4 nhóm cơ chế đặc thù sẽ được thí điểm cho TP HCM gồm công tác quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách và cơ chế thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Nghị quyết thông qua lần này chưa cho phép TP HCM thí điểm thuế tài sản. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Ngoài các nghị quyết nêu trên, tại phiên bế mạc chiều 24/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và hoạt động chất vấn.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; phê chuẩn hai nhân sự thay thế lần lượt là ông Nguyễn Văn Thể và ông Lê Minh Khái. |
Hoàng Thuỳ - Anh Minh