Bít tết chế biến từ thịt bò Kobe có giá gần 2 triệu đồng mỗi xuất. Ảnh: Hồng Liên |
Dù biết những món ăn được chế biến từ thịt bò Kobe đều rất đắt, song chị Ngọc, nhân viên văn phòng ở Hà Nội vẫn không khỏi ngạc nhiên khi được người bạn giới thiệu về bít tết giá gần hai triệu đồng tại một nhà hàng trên phố Lý Thái Tổ. “Tôi đã từng ăn phở bò Kobe, nhưng giá cũng chỉ hơn nửa triệu đồng thôi. Giờ nghe về suất ăn hơn 1,9 triệu đồng thì cũng thấy lạ, không biết có gì đặc biệt mà đắt vậy”, chị Ngọc chia sẻ.
Tại nhà hàng này, món bít tết được làm từ bò Kobe được chia thành 2 loại với 1,48 triệu đồng và 1,68 triệu đồng, tùy theo thịt thăn nõn hoặc thăn lưng. Nếu cộng thêm 10% thuế VAT và 5% phí dịch vụ thì giá một suất bít tết lên đến hơn 1,9 triệu đồng và 1,7 triệu đồng.
Trong đó, mỗi suất ăn bao gồm một miếng thịt bò Kobe, khoai tây nghiền, bánh mỳ, salad và 5 loại nước sốt là tiêu xanh, rượu vang đỏ, BBQ, cà chua bia, kem nấm. Cùng là bít tết cao cấp nhưng giá thấp hơn khi làm từ thịt bò Wagyu Canada với 1,28 triệu đồng hay bò của Mỹ và Australia, giá từ 380.000 đồng trở lên.
Nguyên nhân khiến món ăn này đắt như vậy là giá nguyên liệu cao và khâu chế biến cầu kỳ. Trên thị trường hiện nay, một cân thịt bò Kobe từ 3,5 triệu đồng đến 17 triệu đồng, tùy từng bộ phận.
Thịt bò Kobe có vân mỡ đường tròn, mỏng, thịt hồng và ít gân. Ảnh: Hồng Liên |
Bò Kobe được nuôi dưỡng và chăm sóc ở Nhật với công nghệ cầu kỳ như nghe nhạc Mozart, tắm nước nóng, ăn lúa mạch, uống bia... Mỗi năm, đất nước này chỉ xuất khẩu một số lượng có hạn nên giá thịt bò Nhật ngày càng đắt.
“Bít tết là một trong những món ăn mà hương vị thịt bò Kobe được thể hiện rõ nét nhất. Nó ngon hay không, phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu và chất lượng thịt, ảnh hưởng từ các loại gia vị là rất ít”, anh Hồ Toàn Thắng, bếp trưởng nhà hàng My Way, một trong những địa chỉ có bít tết chế biến từ bò Kobe cho hay.
Ngoài ra, đồ sốt cho bít tết bò Kobe cũng rất cầu kỳ, 20 kg xương bò sau khi nướng qua than củi để hết mùi hôi, được đem ninh với 50 lít nước trong 3 ngày để cô lại được chỉ 5 lít nước sốt. Chế biến món ăn này, người đầu bếp cũng phải được cấp chứng chỉ đã được đào tạo về bò Kobe của các khách sạn năm sao.
“Với thịt tươi, bò Kobe có những vân mỡ đường tròn, khác hẳn loại thịt bò thường. Mỡ càng ít, càng mỏng thì thịt càng đắt. Còn sau khi chế biến, miếng thịt phải mềm, thơm, không có gân xơ cứng, bề mặt mịn thì mới đúng là bò Kobe”, anh Thắng tư vấn.
Mặc dù đắt đỏ song món ăn này vẫn thu hút khá đông thực khách. Anh Hồ Toàn Thắng cho biết, tại My Way, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 người đến thưởng thức, tập trung đông nhất vào những dịp cuối tuần hoặc lễ tết. Trong đó có đến khoảng 70% là khách quen, những người thường đưa gia đình, bạn bè hoặc đối tác đến. Số còn lại mới là những người hiếu kỳ, qua thưởng thức một lần để biết về món ăn đắt có tiếng.
Phụ trách đường dây nóng của nhà hàng này chia sẻ, không ít lần anh nhận được những cuộc điện thoại khách đặt bàn trước với ánh nến lung linh, rượu vang Tây Ban Nha và bò bít tết Kobe để làm lễ cầu hôn.
Anh Thắng thông tin thêm, thời điểm bên Nhật Bản xảy ra sự cố sóng thần, nhà hàng còn bị khan hiếm nguồn cung. “Thời gian đó, không có thịt bò Kobe để chế biến, nhiều khách đến ăn mà không có, tôi đành hẹn họ dịp khác quay lại”, anh Thắng nói.
Tuy nhiên với đại bộ phận người tiêu dùng, đây vẫn là một trong những món ăn xa xỉ. Chị Hồng, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, người đã thưởng thức bít tết giá gần 2 triệu đồng chia sẻ chị còn nhớ nguyên vị mềm, thơm khi ăn món ăn này. "Thịt bò bình thường dai hơn, ăn cũng không ngọt đậm như vậy. Tuy nhiên, lần đó là mình được mời, còn với lương công chức chưa thể xài sang như vậy được", chị Hồng tâm sự.
Xuân Ngọc