Tấm hộ chiếu có hình của vợ Bin Laden là Amal Ahmed al-Sadah . Ảnh: Telegraph. |
Kênh truyền hình Ảrập Al-Arabiya hôm nay cho biết, vợ của Osama bin Laden ở cùng ông này trong khu nhà tại Abbottabad chỉ bị thương trong cuộc đột kích của Mỹ. Người này sau đó không bị biệt kích Mỹ mang đi và được quân đội Pakistan đưa vào một quân y viện ở Rawalpindi, ngoại ô thủ đô Islamabad.
Người phụ nữ có tên Amal Ahmed al-Sadah bị bắn vào chân trong vụ đột kích. Giới chức Mỹ ban đầu cho biết người này có mặt trong phòng với Osama bin Laden và bị trùm khủng bố dùng làm lá chắn sống nên chịu chung số phận. Các báo Anh và Mỹ sau đó đồng loạt đưa tin thủ lĩnh Al-Qaeda chết hèn nhát khi nấp sau lưng một phụ nữ.
Al-Sadah, 27 tuổi, là vợ thứ năm của Bin Laden. Dù vẫn nằm viện điều trị vết thương, người này đang trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi ngoại giao sau khi Mỹ nỗ lực tìm cách tiếp cận để thẩm vấn, hành động bị giới chức Pakistan từ chối.
Nhiều khả năng biệt kích Mỹ muốn đưa Al-Sadah đi cùng với xác của Bin Laden sau vụ đột kích để tra hỏi thêm. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được do một trong những chiếc trực thăng được cho là loại Black Hawk rơi tại khu nhà ở Abbottabad, và các máy bay còn lại đều kín chỗ cho nhóm 25 biệt kích rút lui.
Một cuốn hộ chiếu tìm thấy tại khu nhà của Bin Laden tiết lộ bức hình về vợ trẻ của ông ta và việc cô này xuất thân từ Yemen. Al-Sadah chỉ bằng nửa tuổi Osama bin Laden và còn trẻ hơn một số người con của ông ta. Cô là "tặng phẩm" của một gia đình tại Yemen cho thủ lĩnh Al-Qaeda. Khi kết hôn với Bin Laden tại Afghanistan, Al-Sadah mới 17 tuổi và có 3 con với trùm khủng bố.
Một số thông tin cho biết, Bin Laden từng gửi Al-Sadah về nhà bố mẹ tại Yemen cho an toàn, nhưng cô này vẫn quay lại nơi ẩn náu của trùm khủng bố bất chấp việc bị theo dõi. Theo tạp chí Time, vợ Bin Laden cũng khai nhận với các nhà điều tra Pakistan rằng họ sống trong khu nhà Abbottabad từ năm 2005.
Các nguồn tin tình báo tại Pakistan cho biết, Al-Sadah và các thân nhân khác cùng sống với Bin Laden đang điều trị trong bệnh viện sẽ được trả về nước họ có quyền công dân sau khi hồi phục. Ngoài vợ Bin Laden còn có hai phụ nữ và 9 đứa trẻ đều mang quốc tịch nước ngoài sống trong ngôi nhà đang do phía Pakistan quản lý.
Telegraph dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao Pakistan khẳng định tất cả các yêu cầu của Mỹ muốn tiếp cận những người này vẫn chưa được đáp ứng. "Chúng tôi sẽ không cho phép phía Mỹ gặp những người này, cho đến khi chúng tôi có sự đồng ý bằng văn bản từ những nước mà nhóm người có quyền công dân", nguồn tin trên nhấn mạnh. Đây là thủ tục pháp lý được áp dụng tại Pakistan từ năm 2003.
Tuy nhiên, sự kiện này tiếp tục phản ánh mối rạn nứt về ngoại giao giữa Mỹ và đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống khủng bố là Pakistan. Giới chức tình báo và quân sự Mỹ trước đó ám chỉ nghi ngờ Bin Laden đã được Pakistan "bảo kê" trong suốt 6 năm lẩn trốn tại nước này.
Thậm chí Giám đốc CIA Leon Panetta còn không úp mở khi nói rằng, họ không thông báo bất cứ tin tức gì cho giới chức Pakistan về cuộc đột kích, cho đến khi họ hoàn tất và rút biệt kích khỏi Pakistan. Nói cách khác người Mỹ nghi ngờ Pakistan có thể đánh động để mục tiêu quan trọng của họ tẩu thoát.
Nếu chính quyền Yemen, nơi vợ Bin Laden có quyền công dân, từ chối cho phép người Mỹ tiếp cận cô này, họ sẽ không thể thu thập thông tin quan trọng về cá nhân Osama bin Laden và mạng khủng bố Al-Qaeda mà ông ta lãnh đạo. Quân y viện tại Rawalpindi nói trên cũng chính là nơi Osama bin Laden từng được điều trị vào ngày 10/9/2001, chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng nhằm vào toà tháp WTC New York và trở thành sự kiện 11/9 trong lịch sử thế giới.
Đình Nguyễn