"Niềm tin là vấn đề rất quan trọng, khi các tầng lớp xã hội chưa hiểu hết về hợp tác của Việt Nam và Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai Con đường", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nêu trong hội thảo ngày 14/11 tại Hà Nội.
Hội thảo "Sáng kiến Vành đai Con đường và Hợp tác Việt - Trung" lần hai do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức, với hơn 80 đại biểu từ các bộ ngành, doanh nghiệp hai nước tham dự. Hội thảo lần thứ nhất đã được tổ chức vào tháng 8/2017.
Ông Cường cho rằng con đường tơ lụa trên biển nằm trong Sáng kiến đi qua Biển Đông, là vùng biển quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh và phát triển của Việt Nam, cũng như hoà bình, ổn định ở khu vực. Vì thế Việt Nam và Trung Quốc cần xử lý bất đồng ở Biển Đông, giúp cải thiện được niềm tin của người dân.
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất hợp nhất Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21 thành Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Sáng kiến này hướng tới việc phát triển mạng lưới trên đất liền và biển nối với khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Tiến sĩ Cường cũng lưu ý ở các nước Đông Nam Á vẫn còn nhiều nghi ngại với các dự án thuộc BRI, vì kết nối chậm và lo ngại nợ Trung Quốc tăng cao.
Ông Hùng Ba, tân Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết nguyên tắc hợp tác của BRI là bình đẳng, cùng có lợi. Ông nhắc đến việc hai nước đã ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào 11/2017.
Sáng kiến "Hai hành lang, một vành đai" được đưa ra từ năm 2004 gồm hai hành lang kinh tế "Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", hành lang "Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng" và một "Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ", nhằm hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. |
"Từ đầu năm, lãnh đạo cấp cao Việt - Trung nhấn mạnh hợp tác kết nối, thời gian tới cần thực hiện tốt việc này", ông nói.
Đại sứ Hùng đánh giá hiện quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt, lãnh đạo hai nước cần đóng vai trò định hướng và tăng hợp tác kinh tế, thương mại. Trung Quốc cùng 4 nước ở hạ lưu Mekong là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan hợp tác chặt chẽ về vấn đề Mekong, một mắt xích kết nối thuộc BRI.
Ông khẳng định ASEAN là đối tác quan trọng của Trung Quốc, thể hiện qua việc Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam và Lào ngay sau Đại hội 19 năm ngoái. Ông đề xuất các nước tránh "cái bẫy", "thuyết âm mưu của phương Tây" về sáng kiến BRI.
Trong 5 năm thực hiện BRI, các tổ chức, chính khách và nhiều nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu cảnh báo các nước tham gia Sáng kiến này có thể bị gia tăng phụ thuộc cả kinh tế lẫn chính trị vào Trung Quốc, khi trở thành con nợ của Bắc Kinh. Họ thâm chí có thể bị mất tài nguyên hoặc bị do thám. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 4 năm nay cho biết trong 5 năm qua, hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham gia BRI. Trung Quốc đã cam kết đổ 126 tỷ USD vào BRI.
Khi nghe các ý kiến về lo ngại từ phía Việt Nam, ông Hồ Chính Dược, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao công chúng Trung Quốc, nguyên trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh hiểu những lo lắng của các nước ASEAN trong hợp tác nói chung. Ông đề nghị Trung Quốc và Việt Nam tăng cường trao đổi để xử lý các vấn đề còn tồn tại.
Đánh giá về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với BRI, ông Vương Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây tổn thất cho cả hai bên. Hiện tranh chấp vẫn trong vòng kiềm chế, hai bên đã có 5 vòng đàm phán. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina cuối tháng 11.
Ông Nguyễn Văn Thảo, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ BRI vì mục đích hoà bình, phát triển và thịnh vượng chung cho các quốc gia, trên nguyên tắc dựa vào luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Ông cho hay hai nước đã nêu 5 lĩnh vực hợp tác trong MOU ký tháng 11 năm ngoái là chính sách, hạ tầng, tài chính, thương mại và con người.
"Hy vọng hợp tác BRI sẽ đóng góp vào phát triển của hai nước", ông Thảo nói.